Theo dòng Tọa đàm đối thoại chính sách: "Việt Nam đang ở đâu trên đường đua tới nền kinh tế thị trường?"

Thứ hai, ngày 03/08/2020
(TBKTSG Online) - Sau hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở, đòi hỏi Việt Nam phải đi nhanh hơn trong chặng đường sắp tới để chạm đích một nền kinh tế tự do, nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình và để người dân thực sự được hưởng lợi từ nền kinh tế thị trường.

Hiện thực kinh tế thị trường Việt Nam

Liệu Việt Nam đã có thể chế kinh tế thị trường đúng nghĩa hay chưa và mức độ phát triển kinh tế thị trường Việt Nam hiện đang ở đâu so với các nước khác trên thế giới? Để trả lời những câu hỏi này, PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã dẫn bộ chỉ số tự do kinh tế EFW (Economic Freedom of the World) của Viện Fraser (Fraser Institute) tại Canada, để đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường và năng lực của nhà nước trong vai trò thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác.

Sau 30 năm, Việt Nam vẫn đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, chỉ tiêu về GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước ở châu Âu, ASEAN, Trung Quốc hay các quốc gia có quy mô kinh tế tương tự, ở mức gần như thấp nhất, chỉ cao hơn Pakistan, trong giai đoạn đánh giá từ năm 2005-2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức tương đối nhỉnh hơn so với một số nước khác và ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc suy thoái như cuộc khủng hoảng tài chính 2009.

Trong khi đó, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam chỉ xếp vị trí 119 trên tổng số 162 quốc gia. Đáng chú ý, tiêu chí đánh giá về “đồng tiền tốt” của Việt Nam ở vị trí kém nhất, xếp thứ 141 trên 162. Trong khi đó tiêu chí về các quy định thị trường tín dụng đứng được xếp ở vị trí khá tốt, xếp thứ 63 trên 162 hay quy mô về chính phủ xếp thứ 70, điều này phản ánh một phần nỗ lực của chính phủ trong việc giảm tiêu dùng của chính phủ và cải thiện đầu tư công.

“Vị trí này cho thấy chúng ta rõ ràng cần phải cải thiện thêm nhiều hơn các cấu phần khác nhau để đuổi kịp các quốc gia khác trên thế giới”, PGS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh trong phát biểu tại Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong tuần này.

Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam. Nguồn: NEU

Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ với Việt Nam hiện nay, do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường. Thứ nhất là IEF (Index of Economic Freedom) do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995, thứ hai là EFW do Viện Fraser (Canada) xây dựng. Các chỉ số về tự do kinh tế sẽ đóng vai trò như một thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, TS. Fred McMahon của Viện Fraser cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi. Những quốc gia thịnh vượng nhất cũng là những quốc gia có tự do kinh tế cao nhất.

Chỉ số tự do kinh tế tổng thể của Việt Nam so sánh với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Nguồn: NEU

Theo TS. Fred McMahon, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này. Ở những quốc gia có tự do kinh tế cao thì tuổi thọ cao hơn, thu nhập trung bình hơn 36.000 đô la Mỹ, tỷ lệ người dân sống điều kiện cực nghèo rất thấp (1,8% dân số). Trong khi ở các nước có tự do kinh tế thấp thì có tới 40,5% dân số cực nghèo và có hơn 27% dân số tương đối nghèo và thu nhập bình quân chỉ ở mức 6.100 đô la Mỹ.

TS. Fred McMahon cũng lưu ý khi các quốc gia ngày càng giàu thì tốc độ tăng trưởng chậm dần và nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao thì nay tàn phai vì thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế. Ông cho rằng tự do kinh tế tạo ra động năng để nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó cũng là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chưa kết thúc lấy đâu ra khởi đầu

Trong bài tham luận tại Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong tuần này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh việc muốn có một nền kinh tế thị trường hoàn toàn thì Việt Nam cần phải kết thúc quá trình chuyển đổi đã diễn ra trong 30 năm qua.

“Sau 30 năm chúng ta vẫn đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi mong “nhiệm kỳ” này sớm kết thúc, chứ không 40, rồi 50 năm vẫn đang trên con đường chuyển sang kinh tế thị trường. Muốn có kinh tế thị trường thì đầu tiên ta phải kết thúc quá trình chuyển đổi”, ông Cung nêu quan điểm.

Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Cung cho rằng do sở hữu nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện tại đang có sự chuyển đổi rất ít và nếu khối này không đổi, sự thay đổi các yếu tố sản xuất thị trường càng không thể diễn ra được. 

Trong khi đó, điều hành kinh tế phải do thị trường vận hành chứ không phải do nhà nước nắm quyền chi phối, điều tiết. Ở cấp độ kinh tế thị trường hiện đại, như vậy vai trò nhà nước và vai trò thị trường là không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau, mà phải bổ sung cho nhau. Ví dụ, nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh với giá cả trên thị trường được quyết định dựa trên sự khan hiếm nguồn lực và quan hệ cung cầu. Trong khi đó nhà nước giữ vai trò đảm bảo cạnh tranh công bằng và chống kiểm soát độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức.

“Chúng ta phải suy nghĩ để tìm khâu đột phá đúng chỗ, tìm người đủ năng lực đột phá, tìm công cụ hợp lý để đột phá. Nếu không, chúng ta “đột” nhưng không “phá” được”, ông Cung nói.

Để tạo áp lực và động lực để đột phá thì việc tham khảo những bộ chỉ số quốc tế để đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường và năng lực của nhà nước trong vai trò thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam rất quan trọng. Và theo ông Cung, định hướng cải cách tại Việt Nam không nên nằm ngoài yếu tố “thị trường, thị trường và thị trường”.

Khối tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo

Đánh giá về nền kinh tế thị trường của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng khi một nền kinh tế mà khu vực tư nhân chính thức đóng góp chưa đạt đến 10% GDP thì chưa thể gọi là kinh tế thị trường thực sự.

Theo bà Lan, nếu nhìn vào cấu trúc doanh nghiệp ở Việt Nam, giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, thì khoảng cách và sự phân biệt đối xử là rất rõ ràng.

“Chúng ta luôn có sự ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp nhà nước, thứ hai là đến đầu tư nước ngoài và cuối cùng thì đến tư nhân thì không còn gì. Trong tư nhân bây giờ nổi lên một số doanh nghiệp lớn nhưng là những doanh nghiệp mang tính thân hữu thì mới lớn được, nếu không sẽ khó tiếp cận các nguồn lực của nhà nước hay các chính sách được thực hiện theo hướng có lợi cho mình. Đây là sự phân biệt rất lớn”.

Ngoài ra, bà Lan cho rằng phải nhìn vào nhiều con số và thực tiễn tại Việt Nam để nhìn nhận đúng mức độ kinh tế thị trường tại đây. Ví dụ như mức thu nhập trung bình cũng phải được nhìn nhận lại để thực sự thấy rằng Việt Nam chưa đạt được mức trung bình.

“Chúng ta đổi mới lần đầu tiên là cách đây hơn 30 năm, đưa kinh tế thị trường ra và quyết định đi theo kinh tế thị trường đã giúp đất nước thoát nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng hiện nay vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp. Muốn vượt mức này và trở thành nước có thu nhập trung bình cỡ vừa, rồi đến nước có thu nhập trung bình cao thì thực sự cần tinh thần của cuộc đổi mới lần thứ hai. Nếu chỉ có cải cách trên giấy tờ và không có đột phá thì khó đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao và tiến tới trở thành nước có thu nhập cao vào lúc đất nước kỷ niệm 100 năm.”

“Chúng ta có cơ sở và có nguồn lực để làm được điều này, nhưng vấn đề là phân bổ lại nguồn lực thế nào để sử dụng hiệu quả nhất và để đất nước đạt được những yêu cầu như vậy”, bà Lan đưa ra kết luận.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Các tin khác