Tọa đàm khoa học: “Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm của các nước Châu Á và vai trò của lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị”

Thứ năm, ngày 24/11/2022
Sáng ngày 19/11/2022, GS. Kenichi Ohno - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) đã có buổi tọa đàm chia sẻ về chủ đề “Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm của các nước Châu Á và vai trò của lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị” cho các học viên của Chương trình Thạc sĩ điều hành cao cấp - Executive MBA của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học; PGS.TS Vũ Thành Hưởng – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học; cùng các học viên Chương trình Thạc sĩ điều hành cao cấp - Executive MBA.

Bẫy thu nhập trung bình là một tình huống mà một quốc gia bị mắc kẹt tại mức thu nhập được quyết định bởi nguồn lực nhất định và lợi thế ban đầu và không thể vượt quá mức thu nhập đó. Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi tăng trưởng được tạo ra chỉ bằng may mắn mà không bằng những nỗ lực của doanh nghiệp và chính phủ. Tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào những lợi thế sẵn có thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đình trệ, năng lực cạnh tranh sẽ bị bào mòn trước khi đất nước đạt mức thu nhập cao. Chất lượng chính sách được xem là một trong những nhân tố quan trọng quyết định khả năng vượt qua bầy thu nhập trung bình của các quốc gia trong đó hai yếu tố có vai trò quyết định chất lượng chính sách là lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị.

GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Theo GS. Kenichi Ohno một quốc gia sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không tạo ra được giá trị kinh tế mà chỉ dựa vào các lợi thế sẵn có như tài nguyên thiên nhiên.

“Bẫy thu nhập trung bình diễn ra khi những lợi thế của các nước chỉ ở mức thu nhập trung bình. Cho nên, không cần đợi 14 năm hay 28 năm mà ngay lúc này cũng có thể biết một quốc gia đã tạo ra được giá trị hay chưa, người dân, doanh nghiệp đã tạo được giá trị hay chưa” – GS. Kenichi Ohno nói. Tuy nhiên, GS. Kenichi Ohno cho rằng, vấn đề ở đây không phải là tranh luận rơi vào hay chưa mà cần xem Chính phủ làm gì để vượt bẫy này. “Hiện nay, chưa có chính sách cụ thể nào cho Việt Nam được đưa ra và Việt Nam chưa nỗ lực tạo ra của cải, giá trị. Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào bẫy không sớm thì muộn” – GS. Kenichi Ohno cho biết.

GS. Ohno cũng chỉ ra những tồn đọng có thể dễ nhìn thấy như chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ, bong bóng chứng khoán và bất động sản, hủy hoại môi trường, tham nhũng…. Giá đất ở Hà Nội tương đương với vùng ngoại ô của Tokyo trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản. “Tại sao chính sách của Việt Nam tệ như vậy mà Nhật Bản vẫn đầu tư? Đó là do Nhật Bản thấy rằng nhu cầu tại Việt Nam vẫn đang tăng và Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ. Tuy nhiên nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi về chính sách thì những lợi thế này sẽ mất đi nhanh chóng” – ông Kenichi Ohno nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, GS. Kenichi Ohno khuyến nghị trong thời gian tới Việt Nam phải hội nhập sâu, và phải có những thay đổi về chính sách. Bởi với các quốc gia đang phát triển thì chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước vượt bẫy thu nhập trung bình. “Chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, khung pháp lý, vốn ODA cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng yếu tố con người và doanh nghiệp. Đã có những nước đi sau nhưng nhờ có chính sách tốt đã đạt mức thu nhập cao, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Và các quốc gia khác như Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn gói chính sách phù hợp nhất với mình” – GS. Kenichi Ohno nhận định.

Tại buổi Tọa đàm, GS. Kenichi Ohno cũng đã giới thiệu và chia sẻ với các học viên một số nội dung liên quan đến bẫy thu nhập như: Tổng quan về bẫy thu nhập trung bình và chỉ ra các dấu hiệu của việc vướng bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam; Phân tích vai trò của lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị để vượt qua bẫy thu nhập trung bình dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực; Gợi ý một số chính sách cho Chính phủ, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Các tin khác