NCS Bùi Liên Hà bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 28/10/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Bùi Liên Hà, chuyên ngành Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại), với đề tài “Dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.
Thứ ba, ngày 27/09/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đề tài luận án: Dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Chuyên ngành: Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại)
Mã số: 62.34.10.01
Nghiên cứu sinh: BÙI LIÊN HÀ
Người hướng dẫn: 1. GS.TS HOÀNG ĐỨC THÂN    2. PGS.TS. NGUYỄN THỊ XUÂN HƯƠNG

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đã cụ thể hóa khái niệm dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu từ khái niệm chung về dịch vụ phát triển kinh doanh được nêu ra trong các nghiên cứu trước đây, cụ thể: dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm “nâng cao năng lực xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới ”.

Luận án đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu gồm: Qui mô vốn, nhân lực và công nghệ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh; nhận thức về dịch vụ phát triển kinh doanh, tình hình tài chính và nhu cầu sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu; cơ chế chính sách của nhà nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là cơ sở để phân tích và đánh giá dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên ở Việt Nam, dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều hạn chế:

Về phía nhà cung cấp dịch vụ: Số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa nhiều, chưa tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo số liệu điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng hầu hết các dịch vụ được đánh giá chỉ đáp ứng từ mức trung bình trở xuống. Loại hình dịch vụ được đánh giá chất lượng cao nhất cũng chỉ đạt 3,31 điểm trên thang điểm 5. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng các nguồn lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn nhiều yếu kém, thêm vào đó là tình trạng thiếu vốn để đối mới và nâng cao chất lượng nguồn lực.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: 46,6% doanh nghiệp xuất khẩu được điều tra đã sử dụng hầu hết các loại hình dịch vụ phát triển kinh doanh quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên vẫn còn có 11,8% chưa từng sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh. Mức độ sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau chủ yếu do nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin về dịch vụ phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh chủ yếu biết thông tin qua Internet (42,4%) và do nhà cung cấp tự tìm đến (43,2%). Thêm vào đó, 30% doanh nghiệp cho rằng giá dịch vụ quá đắt không tương xứng với chất lượng nên không sử dụng dịch vụ.

Về các văn bản pháp lý, các cơ chế chính sách của nhà nước về dịch vụ phát triển kinh doanh: Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản qui định về các loại hình dịch vụ nói chung và dịch vụ phát triển kinh doanh nói riêng. Tuy nhiên, một số văn bản có nội dung chưa phù hợp như Nghị định 87/2002/NĐ-CP về cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn, nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức,...
Luận án đã đề xuất ba nhóm giải pháp cụ thể trong đó nhóm giải pháp hoàn thiện các văn bản pháp lý và chính sách của nhà nước cũng như các biện pháp hỗ trợ tích cực của nhà nước đóng vai trò quan trọng nhằm tăng cường dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Nội dung của luận án xem tại đây.