NCS Bùi Sỹ Tuấn bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 17/01/2012, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Bùi Sỹ Tuấn, chuyên ngành Kinh tế lao động, với đề tài “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020”.
Thứ ba, ngày 17/01/2012

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đến năm 2020
Chuyên ngành: Kinh tế lao động                       
Mã số: 62.31.11.01
Nghiên cứu sinh: Bùi Sỹ Tuấn          
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Vũ Hoàng Ngân      2. TS. Hoàng Kim Ngọc

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Nghiên cứu chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động, luận án đã chỉ rõ các yếu tố cấu thành chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động bao gồm

(1) các yếu tố về thể lực,
(2) các yếu tố về giáo dục – đào tạo
(3) các yếu tố về ý thức xã hội, và 
(4) mức độ thoả mãn các điều kiện của nước phái cử lao động và nước tiếp nhận lao động.

Luận án đã đề xuất hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực hướng tới nhu cầu xuất khẩu lao động, bao gồm:

(i) Nhóm tiêu chí đánh giá trực tiếp về thể lực như: Chiều cao, Cân nặng,

(ii) Nhóm tiêu chí đánh giá trực tiếp về giáo dục – đào tạo như: kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, kỹ năng nghề, trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống, khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc theo nhóm và

(iii) Nhóm tiêu chí đánh giá trực tiếp về ý thức xã hội như: ý thức tổ chức, kỷ luật và hiểu biết, chấp hành pháp luật.

Đồng thời, luận án cũng đưa ra các tiêu chí đánh giá gián tiếp như: Số lượng lao động được tiếp nhận, sự tương đồng hoặc phù hợp về điều kiện địa lý, sinh hoạt, văn hoá, tập quán, tôn giáo, ngôn ngữ giao tiếp...giữa nước tiếp nhận và nước phái cử lao động.

Những kết luận, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của Luận án

Qua khảo sát bốn nhóm đối tượng: người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, người lao động đang làm việc ở nước ngoài, cán bộ xuất khẩu lao động và chủ nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 7 nhân tố chủ yếu tác động đến chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động bao gồm:

(1) Công tác tuyển chọn lao động;
(2) Trình độ phát triển của giáo dục  - đào tạo chung và ở địa phương,
(3) Văn hoá nghề,
(4) Y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng,
(5) Trình độ phát triển kinh tế của địa phương
(6) Vị trí địa lý,  và
(7) Thể chế, chính sách.

Trong số này, các nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất là: trình độ phát triển của giáo dục – đào tạo chung và ở địa phương, công tác tuyển chọn lao động và cơ chế chính sách của Nhà nước.

Trên cơ sở nghiên cứu những xu hướng di cư lao động quốc tế và tiếp nhận lao động nước ngoài của một số quốc gia, cùng với xác định mục tiêu của nước ta trong việc phát triển hoạt động xuất khẩu lao động, luận án đã kiến nghị một số giải pháp, trong đó những điểm mới tập trung :

(1) Nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo lao động thông qua việc áp dụng mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với chính quyền địa phương, các cơ sở dạy nghề, trường nghề, trung tâm giới thiệu việc làm trong quá trình tuyển chọn và đào tạo lao động;

(2) Hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, cụ thể là nghiên cứu đầu tư một số trung tâm đào tạo nguồn lao động xuất khẩu;

(3) Tăng cường công tác khảo sát, tìm hiểu, dự báo thị trường xuất khẩu lao động phù hợp với khả năng cung ứng lao động của Việt Nam, mục tiêu hướng tới thâm nhập các thị trường có thu nhập cao;

(4) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động trong đó tập trung vào các yêu cầu về nghề, ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp, chính sách pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động;

(5) Đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục, dạy nghề, nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nội dung của luận án xem tại đây.