NCS Bùi Văn Thạch bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 25/09/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Bùi Văn Thạch, chuyên ngành Kinh tế học (Kinh tế vĩ mô), với đề tài “Vai trò của nhà nước trong việc phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam”.

Thứ bảy, ngày 25/09/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Vai trò của nhà nước trong việc phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học (Kinh tế vĩ mô)
Mã số: 62.31.03.01
Người hướng dẫn: GS.TS. Nguyễn Văn Thường; PGS.TS. Nguyễn Văn Công

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

1. Từ lý luận vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường, Luận án tập trung làm rõ cơ sở lý luận về sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường tài chính, nhằm khắc phục những thất bại thị trường để thị trường tài chính hoạt động lành mạnh, ổn định, hiệu quả, cụ thể:

(1) Hiện tượng thông tin bất cân xứng trên thị trường tài chính sẽ gây ra hai hiệu ứng tiêu cực của nó là: (i) Lựa chọn đối nghịch; và (ii) Hiểm hoạ đạo đức. Trong trường hợp này, nhà nước can thiệp để tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường.

(2) Chi phí giao dịch cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để khắc phục, nhà nước thường có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ; đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường và thúc đẩy sự phát triển nhanh của các hoạt động dịch vụ tài chính, tiền tệ nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho công chúng đầu tư tham gia thị trường tài chính.

(3) Sự bất ổn định mang tính hệ thống của thị trường tài chính mà hậu quả của nó dẫn tới những hoảng loạn, đổ vỡ của hệ thống tài chính mang tính cục bộ, hoặc lan chuyền hệ thống. Vì vậy, trong điều hành nền kinh tế nhà nước phải kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; Thắt chặt hơn nữa những biện pháp duy trì an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, tập trung vào quản lý rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán đối với các ngân hàng thương mại. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống thông tin quản lý để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như hệ thống tài chính.

(4) Các rủi ro liên quan đến tiến trình tự do hóa tài chính và khủng hoảng tài chính - tiền tệ, dẫn đến đổ vỡ hệ thống tài chính trong nước và bùng phát khủng hoảng. Vì vậy, tự do hóa tài chính phải nằm trong sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhà nước bằng pháp luật, bằng các công cụ điều tiết về kinh tế, tiến hành theo lộ trình, bước đi chủ động, thận trọng và hiệu quả, duy trì và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án cho rằng, thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán là các bộ phận cấu thành thị trường tài chính, là các kênh truyền tải tác động của chính sách tài chính, tiền tệ tới nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi Nhà nước trong quá trình quản lý, vận hành thị trường tài chính cần tạo ra cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, cụ thể: (1) Các cơ quan nhà nước khi ban hành các chính sách liên quan đến thị trường tiền tệ thì phải quan tâm đến tác động của nó trên thị trường chứng khoán và ngược lại (2) Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp sâu vào nghiệp vụ cụ thể về cho vay cầm cố mua cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. (3) Tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển sẽ tạo thêm những công cụ mới, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể mở rộng khả năng tham gia các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ. (4) Các cơ quan nhà nước, mà trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp với nhau trong hoạt động quản lý và giám sát các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. (5) Tăng cường các biện pháp duy trì an toàn, đặc biệt là nên chuyển theo hướng tập trung vào quản lý rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán đối với các ngân hàng thương mại.

Nội dung của luận án xem tại đây.