NCS Đỗ Thị Đông bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 29/07/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Đỗ Thị Đông, chuyên ngành Kinh tế công nghiệp, với đề tài “Phân tích chuỗi giá trị và tổ chức quan hệ liên kết của các doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam”.
Thứ ba, ngày 28/06/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Phân tích chuỗi giá trị và tổ chức quan hệ liên kết của các doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế công nghiệp                   
Mã số: 62.31.09.01
Nghiên cứu sinh:  Đỗ Thị Đông                      
Người hướng dẫn:  GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đề xuất cách thức phân tích chuỗi giá trị bao quát hơn các tác giả khác. Theo đó, việc phân tích chuỗi giá trị bao gồm bốn bước công việc là lựa chọn chuỗi giá trị để phân tích, lập sơ đồ chuỗi giá trị, đánh giá các quá trình trong chuỗi giá trị và rút ra kết luận về phân tích chuỗi giá trị.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Những phát hiện mới của luận án

Các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam đang đứng ở vị trí vị trí bất lợi và phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này thể hiện ở hai đặc điểm chính như sau:

1. Các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam được định vị là ở dưới đáy của chuỗi giá trị toàn cầu. Dù đang thực hiện công việc sản xuất thâm dụng lao động cao nhưng các doanh nghiệp này lại đóng góp rất ít giá trị (khoảng 5%) vào sản phẩm cuối cùng, nhỏ hơn rất nhiều so với công đoạn marketing và phân phối (khoảng 75%). Lợi nhuận mà các doanh nghiệp này tạo ra cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng dưới 8% giá trị đơn hàng, nghĩa là dưới 0,4% giá trị sản phẩm cuối cùng.

2. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam với các chủ thể khác tham gia chuỗi giá trị rất lỏng lẻo. Đặc biệt, các doanh nghiệp này không tiếp cận được các hãng bán lẻ toàn cầu làm cho lợi nhuận tạo ra thấp do phải chia sẻ với các nhà môi giới, hãng thu mua khu vực, hãng thu mua toàn cầu.

Mức lợi nhuận quá nhỏ làm cho các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam không có đủ năng lực tài chính để đầu tư. Kết quả là mặc dù giá trị xuất khẩu hàng may tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua nhưng các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì vị trí bất lợi này.

Đề xuất mới của luận án

Trong số các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, luận án đề xuất tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp may xuất khẩu với các tổ chức khác trong chuỗi giá trị theo hình thức tổ chức cụm công nghiệp. Luận án đề xuất mô hình lý tưởng của cụm công nghiệp dệt may, trong đó có các doanh nghiệp may, dệt, sản xuất phụ liệu, công ty thời trang và các trung tâm thương mại. Đây là mô hình tận dụng được mối liên kết giữa các doanh nghiệp bởi sự chia sẻ thông tin, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối.

Nội dung của luận án xem tại đây.