NCS Dương Huy Hoàng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 20/09/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Dương Huy Hoàng, chuyên ngành Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại), với đề tài “Thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Thứ hai, ngày 20/09/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Chuyên ngành: Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại)
Mã số: 62.34.10.01
Người hướng dẫn: GS.TS. Hoàng Đức Thân;  TS. Trần Văn Bão

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo chủ yếu đang được áp dụng trong xuất khẩu hàng hóa. Lý thuyết này có thể áp dụng trong xuất khẩu dịch vụ nếu gắn liền với các yếu tố đầu tư nước ngoài (hiện diện thương mại) và di chuyển của thể nhân (xuất khẩu lao động có kỹ năng ra nước ngoài). Luận án chỉ ra rằng: lý thuyết của David Ricardo gắn với việc bán dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (xuất khẩu dịch vụ tại chỗ) và xuất khẩu lao động có kỹ năng của Việt Nam ra nước ngoài là cơ sở khoa học để xác định lợi thế so sánh của Việt Nam trong xuất khẩu một số lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển, vận tải hàng không, bưu chính viễn thông, du lịch.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Qua phân tích thực trạng xuất khẩu dịch vụ ở Việt Nam theo 4 phương thức xuất khẩu dịch vụ của WTO, luận án chứng minh rằng: (i) xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng; (ii) xuất khẩu dịch vụ qua biên giới và xuất khẩu dịch vụ tại chỗ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam, giá trị của xuất khẩu theo phương thức hiện diện thương mại và xuất khẩu qua di chuyển của thể nhân chiếm tỷ trọng không đáng kể; (iii) thị trường xuất khẩu dịch vụ chủ yếu của Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Đề tạo đột phá trong xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, luận án đề xuất Chính phủ thực hiện đàm phán với các đối tác nước ngoài theo thứ tự ưu tiên các phương thức xuất khẩu dịch vụ như sau:

i) Ưu tiên hàng đầu là xuất khẩu thông di chuyển của thể nhân: Yêu cầu đối tác thương mại của Việt Nam dỡ bỏ các rào cản về quyền công dân hay cư trú để được cấp phép hay cung cấp dịch vụ; công nhận các văn bằng chuyên môn đã được thừa nhận; đơn giản thủ tục cấp visa (đặc biệt vào thị trường Hoa Kỳ);

ii) Ưu tiên thứ hai là xuất khẩu qua biên giới: Đàm phán với đối tác thương mại tìm các giải pháp thay thế đối với các yêu cầu hiện diện tại địa phương (local presence requirements) để các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ nhỏ của Việt Nam có thể tham gia vào kinh doanh xuất khẩu dịch vụ qua biên giới.

iii) Ưu tiên thứ ba là xuất khẩu qua hiện diện thương mại: Yêu cầu đối tác thương mại xoá bỏ các hạn chế về quốc tịch đối với đầu tư; hình thức sở hữu; phân biệt đối xử trong các loại phí xin cấp phép; phân biệt đối xử về thuế.

iv) Ưu tiên thứ tư là xuất khẩu tại chỗ: Yêu cầu đối tác thương mại xoá bỏ hạn chế đối với các doanh nghiệp của họ mua các dịch vụ do doanh nghiệp của Việt Nam cung cấp.

Nội dung của luận án xem tại đây.