NCS Hoàng Thị Thúy Nga bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 29/12/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Hoàng Thị Thúy Nga, chuyên ngành Kinh tế học, với đề tài “Nghiên cứu tính kinh tế theo qui mô (Economies of Scale) của các doanh nghiệp May Việt Nam”.
Thứ năm, ngày 29/12/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Nghiên cứu tính kinh tế theo qui mô (Economies of Scale) của các doanh nghiệp  May Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học (Kinh tế vi mô)               
Mã số: 63.31.03.01
Nghiên cứu sinh:  Hoàng Thị Thúy Nga           
Người hướng dẫn:  1. PGS TS Vũ Kim Dũng    2. PGS TS Phạm Văn Minh

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Dựa trên lý thuyết tính kinh tế theo qui mô (Economies of scale-EOS)- nghiên cứu mức độ thay đổi của chi phí trung bình khi có sự thay đổi của sản lượng đầu ra- luận án đã xây dựng phương pháp nghiên cứu mối quan hệ này thông qua mô hình kinh tế lượng, qua đó trả lời câu hỏi có tồn tại sự khác biệt của tính kinh tế theo quy mô của các nhóm doanh nghiệp khác nhau trong ngành hay không, các nguyên nhân của sự khác biệt và giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp.

Đặc điểm của phương pháp được lựa chọn là dựa vào hàm sản xuất nhằm đánh giá tính kinh tế theo qui mô của các doanh nghiệp trong ngành may Việt Nam và phương pháp đánh giá tác động (DID) nhằm đánh giá tác động của chính sách Chính phủ đến các doanh nghiệp may Việt Nam.  

Luận án đã sử dụng biến thực tế để thay thế cho các biến trong lý thuyết trên cơ sở của phương pháp toán học về các hàm quan hệ trong lý thuyết mô hình toán kinh tế. Đây là một sự vận dụng linh hoạt được đề xuất áp dụng trong những trường hợp tương tự khi không có số liệu đầy đủ của các biến trong lý thuyết.

Việc định vị tính kinh tế theo quy mô theo các nhóm doanh nghiệp trong ngành với các đặc thù riêng sẽ cho phép đưa ra các chính sách cụ thể nhằm cải thiện việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của ngành để tối thiểu chi phí sản xuất theo phương pháp định lượng, trong khi các nghiên cứu khác chủ yếu đề ra các chính sách trên cơ sở phân tích định tính về quản lý doanh nghiệp, về hệ thống thể chế, pháp luật và cơ sở hạ tầng. Phương pháp này được tác giả thực hiện đối với các doanh nghiệp may và hoàn toàn có thể áp dụng cho các ngành khác như sản xuất thuốc lá, sản xuất xi măng.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

- Thứ nhất, luận án đã định vị được các mức độ tính kinh tế theo qui mô khác nhau theo các loại hình doanh nghiệp may  thông qua mô hình kinh tế lượng và kết quả của mô hình cũng gần sát với những quan sát trong thực tế về ngành may. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp nhà nước đạt được tính kinh tế theo qui mô nhưng cần có những giải pháp nhằm thay đổi cơ cấu tổ chức, hệ thống chính sách quản lý để sử dụng nguồn lực tốt hơn; nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa đạt được tính kinh tế theo qui mô và cần có giải pháp thay đổi nội lực của doanh nghiệp; nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt được tính kinh tế theo qui mô và cần giải pháp cải thiện hệ thống hiện tại.

- Thứ  hai, luận án đã đưa ra các hệ thống giải pháp nhằm khai thác tính kinh tế theo qui mô bên ngoài bao gồm Tập đoàn Dệt May Việt nam và Hiệp hội Dệt May Việt nam kết hợp để tạo ra các cụm liên kết công nghiệp tại các địa phương; Xây dựng một thị trường nội bộ cho Hiệp hội Dệt May Việt nam; lập xưởng may chung cho các nước ASEAN.

Tuy nhiên, luận án sẽ có tính thuyết phục hơn nếu tác giả có điều kiện nghiên cứu sâu hơn các doanh nghiệp may ở các địa bàn khác ngoài Hà Nội, đặc biệt là tiến hành phỏng vấn và quan sát hoạt động của các doanh nghiệp này thay đổi theo thời gian như thế nào. Đề tài sẽ có giá trị hơn nếu đưa ra các giải pháp cụ thể về vai trò của Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng như Tập đoàn Dệt May Việt Nam khi tạo ra các cụm liên kết công nghiệp dệt may. Việc tách biệt riêng số liệu giữa ngành Dệt và ngành May cũng sẽ mang lại các đánh giá sát thực hơn làm tiền đề cho các giải pháp phù hợp với ngành May hơn.

Nội dung luận án xem tại đây.