NCS Lê Quang Mạnh bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 22/07/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Lê Quang Mạnh, chuyên ngành Kinh tế học, với đề tài “Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.
Thứ sáu, ngày 22/07/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học (Kinh tế vi mô)                
Mã số: 62.31.03.01
Nghiên cứu sinh: LÊ QUANG MẠNH                
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS VŨ KIM DŨNG             2. PGS.TS. PHẠM VĂN MINH
 
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ việc tổng hợp các mô hình can thiệp của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, Luận án đã chứng minh vai trò của Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm:

(i) phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp;

(ii) thực hiện tốt chức năng điều chỉnh cơ cấu, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, động lực đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và và vừa;

(iii) hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các khó khăn nội tại.

Thông qua hai cách tiếp cận lý thuyết về tính kinh tế và phi kinh tế của quy mô và về quy mô sản xuất tối ưu, luận án đã khẳng định sự tồn tại của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là phù hợp với quy luật khách quan.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án đã chỉ ra hai nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bao gồm:

(i) Những khó khăn nội tại cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, như vốn, đất đai hạn chế; khả năng tiếp cận thị trường, kết nối kinh doanh yếu; năng lực quản lý, lực lượng lao động ít được đào tạo; trình độ công nghệ, kỹ thuật lạc hậu;

(ii) Các yếu tố ngoại sinh như môi trường kinh tế; môi trường hành chính-pháp lý; mức độ phát triển của các hình thức thị trường.

Bằng việc phân tích tính hiệu quả của những can thiệp từ Nhà nước vào từng nhóm yếu tố nêu trên, Luận án đã nêu rõ thành tựu bước đầu song hết sức quan trọng của Nhà nước ta trong thời gian qua là sự thay đổi căn bản vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường, với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ trọng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tự do hóa môi trường kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ngược lại, các chương trình trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế cả về phương thức, nội dung, đối tượng hỗ trợ, do đó hiệu quả tác động thấp.

Luận án đã sử dụng mô hình phân tích đa nhân tố được phát triển dựa trên hàm sản xuất Cobb-Douglas mở rộng để đánh giá cụ thể hiệu quả từng can thiệp của Nhà nước đến sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và rút ra kết luận: môi trường kinh doanh và khả năng tiếp cận nguồn vốn là những nhân tố tác động rõ nét nhất đến sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Do vậy, để thiết kế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước nên ưu tiên các nguồn lực của mình cho việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh.

Từ việc xem xét ưu điểm và hạn chế của từng mô hình Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và rút ra kết luận mô hình “tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển” là phù hợp nhất với điều kiện nước ta hiện nay, Luận án đã đề xuất năm quan điểm nền tảng và bốn nhóm giải pháp cụ thể trong đó khuyến nghị cơ bản là Nhà nước cần tập trung hơn vào việc tạo dựng và duy trì một môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy để gia tăng tính chất kinh tế thị trường trong nền kinh tế bằng việc khuyến khích sự phát triển của các thị trường yếu tố sản xuất cho doanh nghiệp, thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các thị trường sản phẩm, tránh việc cung cấp trực tiếp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc này thị trường đảm nhiệm sẽ có hiệu quả hơn. Các chương trình, chính sách hỗ trợ trực tiếp cần được xem xét, thiết kế hết sức kỹ lưỡng để hạn chế sự bóp méo thị trường và giảm hiệu quả chung của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.

Nội dung của luận án xem tại đây.