NCS Lê Thanh Bình bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 17/12/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Lê Thanh Bình, chuyên ngành Lịch sử kinh tế, với đề tài “Công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Thái Lan: Kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam”.

Thứ sáu, ngày 17/12/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Thái Lan: Kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam
Chuyên ngành: Lịch sử kinh tế                            
Mã số: 63 31 01 05
Người hướng dẫn: PGS.TS. Ngô Xuân Bình; PGS. TS. Lê Ngọc Tòng

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Trên cơ sở phân tích tiến trình công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Thái Lan từ năm 1972, Luận án chỉ ra rằng mô hình công nghiệp hoá của nước này là xuất phát từ một nước nông nghiệp, để tiến tới một nước nông-công nghiệp mới (NAIC), chứ không phải là nước công nghiệp mới (NICs) như các nước Đông Á. Các nước nông-công nghiệp mới này lấy nông nghiệp làm xuất phát điểm, là chỗ dựa cho quá trình công nghiệp hóa, và nông nghiệp, nông thôn, nông dân thật sự luôn được coi trọng trong nhận thức, chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các nước này; có sự phát triển tương đối cân bằng giữa nông và công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa; cùng với công nghiệp hoá trong công nghiệp, nông nghiệp cũng được phát triển theo hướng hiện đại, chuyên canh, và hướng vào xuất khẩu; và Nhà Nước luôn đóng vai trò quan trọng trong định hướng thị trường cho quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp.


Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Từ việc phân tích tiến trình công nghiệp hoá của Thái Lan, trên cơ sở so sánh và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Luận án đã rút ra những bài học có tính kinh nghiệm sau đây cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Việt Nam:

Thứ nhất, trong tiến trình công nghiệp hoá, cùng với việc tự do hoá, thị trường hoá và mở cửa kinh tế đối ngoại, nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược, điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi (về luật pháp, thể chế, nguồn lực, môi trường chính trị và xã hội ổn định,...) cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu (của một nước từ nông nghiệp đi lên).

Thứ hai, muốn tồn tại được trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng, chúng ta không thể chỉ dựa mãi vào lợi thế so sánh tĩnh không bền vững sẵn có, mà chúng ta phải luôn chủ động tạo ra những lợi thế so sánh động và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ ba, cần tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào những dự án có tác động lớn và có sức lan toả đến nền kinh tế, những ngành đòi hỏi trình độ khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý phù hợp để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng ngày càng cao, tận dụng và phát huy được những lợi thế của nền kinh tế.

Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, các nước đang phát triển,  nhất là những nước đi lên từ nông nghiệp, phải luôn chú ý tới phát triển bền vững, cụ thể là vấn đề bảo vệ môi trường, tránh để xảy ra tình trạng nông nghiệp phải hy sinh bất hợp lý cho sự phát triển của công nghiệp.

Nội dung của luận án xem tại đây.