NCS Nguyễn Ngọc Toản bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 21/02/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Nguyễn Ngọc Toản, chuyên ngành Quản lý kinh tế (Khoa học quản lý), với đề tài “Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên cộng đồng ở Việt Nam”.
Thứ hai, ngày 21/02/2011

TRANG THÔNG TIN VỀ ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên cộng đồng ở Việt Nam
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Khoa học quản lý)       
Mã số: 62.34.01.01
Nghiên cứu sinh: NGUYỄN NGỌC TOẢN             
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS ĐOÀN THỊ THU HÀ     2. TS. NGUYỄN HẢI HỮU

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận:

Luận án đã bổ sung lý luận về chính sách TGXH thường xuyên cộng đồng ở Việt Nam, trong đó đưa ra khái niệm TGXH toàn diện bao gồm cả vai trò của Nhà nước và xã hội. Quan điểm này khác so với quan niệm trước vốn cho rằng TGXH là sự giúp đỡ của xã hội, chưa đề cập đến vai trò của Nhà nước.

Luận án đưa ra 7 nguyên tắc chính sách trong đó bổ sung 4 nguyên tắc mới (bảo đảm tính hiệu lực, bảo đảm tính hiệu quả, bảo đảm tính công bằng, bảo đảm sự ổn định bền vững); 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng chính sách (liên quan tới đối tượng hưởng lợi, cơ chế, công cụ chính sách, và các lực lượng chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội); bổ sung 6 chỉ tiêu đánh giá chính sách (i) tỷ lệ bao phủ so với dân số, (ii) tỷ lệ bao phủ so với đối tượng BTXH, (iii) tỷ lệ đối tượng chưa được hưởng chính sách, (iv) tỷ lệ đối tượng thay đổi cuộc sống sau hưởng chính sách, (v) khoảng cách bình quân mức TGXH, (vi) mức độ tương quan với các chính sách khác để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả, công bằng, bền vững, tính kinh tế của chính sách.

Các đóng góp này góp phần hoàn thiện cơ sở chính sách và khắc phục những hạn chế trong quan niệm TGXH, làm cơ sở phân tích đánh giá hệ thống chính sách Việt Nam giai đoạn hiện nay và đề xuất các giải phát hoàn thiện giai đoạn tới.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án:

Kết quả nghiên cứu phát hiện nhu cầu trợ giúp xã hội tương đối đông, tính chung 16,22% dân số cần TGXH. Các nhu cầu được trợ giúp (đời sống, sức khoẻ, giáo dục...) là khác nhau, tuỳ thuộc vào mỗi nhóm đối tượng cụ thể. Các công cụ chính sách được quy định đồng bộ (bao gồm trợ cấp xã hội, trợ giúp giáo dục, y tế), và tính hiệu quả của chính sách ngày càng cao theo thời gian. Tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả, tính công bằng và bền vững của chính sách còn chưa đảm bảo (mới bao phủ 1,45% dân số, 12,2% thuộc diện chưa được hưởng chính sách, 32% đối tượng, 55% cán bộ chưa thật sự hài lòng với chính sách).

Từ kết quả này, luận án đưa ra một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách TGXH thường xuyên cộng đồng ở Việt Nam, bao gồm:

- Định hướng đổi mới chính sách: Chuyển từ  quan điểm chính sách nhân đạo sang chính sách bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng lợi, đồng thời phải bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và cải cách thể chế hành chính.

- Các giải pháp cụ thể: Mở rộng đối tượng hưởng lợi nhằm bao phủ toàn bộ dân cư khó khăn, đề xuất mức chuẩn trợ cấp tối thiểu áp dụng từ năm 2011 là 315.000 đồng/tháng (70% mức sống tối thiểu dân cư) và các hệ số xác định mức trợ cấp đối với mỗi nhóm đối tượng cụ thể, đa dạng các hình thức chăm sóc, nghiên cứu xây dựng luật TGXH và hoàn thiện kế hoạch chính sách TGXH thường xuyên cộng đồng....

Nội dung của luận án xem tại đây.