NCS Nguyễn Thị Lan Hương bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 15/01/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, với đề tài “Nghiên cứu hình thức quản lý dựa vào cộng đồng các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn Việt Nam”.

Thứ tư, ngày 15/12/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Nghiên cứu hình thức quản lý dựa vào cộng đồng các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp                   
Mã số: 62.31.10.01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Văn Khôi, PGS.TS Vũ Đình Thắng

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ lý luận về cộng đồng, quản lý dựa vào cộng đồng và đặc thù của các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn, Luận án tập trung làm rõ lý luận về vai trò của cộng đồng, các yếu tố tác động đến hiệu quả bền vững của hình thức quản lý dựa vào cộng đồng, nhằm khắc phục các tồn tại, tạo dựng một môi trường về kinh tế - xã hội – tự nhiên – công nghệ thuận lợi khuyến khích phát triển hình thức quản lý dựa vào cộng đồng các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn, cụ thể:

1) Hình thức quản lý dựa vào cộng đồng đa dạng về mô hình quản lý do đặc trưng chủ yếu là dựa vào sự tham gia của cộng đồng với mức độ khác nhau trong quá trình đưa ra các quyết sách chiến lược liên quan đến sự ra đời và tồn tại của công trình cấp nước sạch tại nông thôn.

2) Vai trò của hình thức quản lý dựa vào cộng đồng các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn dựa trên những lợi thế về: i) hiệu quả về chi phí; ii) tăng tinh thần trách nhiệm và năng lực của người dân; iii) nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; iv) thúc đẩy quá trình cộng đồng được trao quyền, v) Đảm bảo tính thống nhất sở hữu, quản lý và phân phối của quan hệ sản xuất khi tiến hành xã hội hóa dịch vụ công.

3) Tiêu chí đánh giá hiệu quả bền vững công trình cấp nước tập trung nông thôn bao gồm 7 nhóm về i) tỷ lệ hộ dân hưởng lợi, ii) chất lượng dịch vụ cấp nước, iii) trình độ kỹ thuật, iv) bền vững tài chính, v) tác động xã hội, vi) mức độ hỗ trợ của các cơ quan, vii) thời gian khai thác, sử dụng.

4) Xác định các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hình thức quản lý dựa vào cộng đồng công trình cấp nước nông thôn bao gồm: về nguồn nước, về năng lực quản lý của cộng đồng, về năng lực tài chính, trình độ phát triển thị trường công nghệ tại địa phương, và mối quan hệ tương tác mang tính nhân - quả giữa các yếu tố đó, làm cơ sở để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình lựa chọn.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án đã nghiên cứu thực trạng các công trình cấp nước nông thôn dựa vào cộng đồng và kết luận: muốn nâng cao hiệu quả bền vững của công trình cấp nước tập trung nông thôn dựa vào cộng đồng cần nâng cao “cảm nhận về quyền sở hữu” của cộng đồng. Cảm nhận về quyền sở hữu có thể đạt được bằng cách hoặc xác định lại quyền sở hữu của cộng đồng, hoặc giao quyền tự chủ khai thác công trình cho cộng đồng. Cảm nhận về quyền sở hữu chỉ được nâng lên khi: 1) các cơ quan quản lý nhà nước thật sự trao quyền sâu hơn cho cộng đồng trong quản lý công trình công cộng, 2) người dân đóng vai trò vị trí trung tâm trong các quyết định chiến lược liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo nhu cầu, 3) tôn trọng tính đa dạng của các hình thức tổ chức quản lý.

Luận án đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm khuyến khích nhân rộng các mô hình quản lý cấp nước tập trung dựa vào cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh những đề xuất giải pháp về xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, luận án đã xây dựng được hai mô hình tổ chức quản lý dựa vào cộng đồng cho công trình cấp nước tập trung. Hai mô hình này gợi ý về các giải pháp về tổ chức quản lý mang tính nguyên tắc, vừa nâng cao cảm nhận về quyền sở hữu của cộng đồng, vừa phù hợp với điều kiện khung pháp lý hiện tại, và có thể có những điều chỉnh tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của từng địa phương.

Nội dung của luận án xem tại đây.