NCS Phạm Chí Thanh bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 22/06/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Phạm Chí Thanh, chuyên ngành Kinh tế chính trị, với đề tài “Đổi mới chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công ở Việt Nam”.

Thứ hai, ngày 20/06/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Đổi mới chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công ở Việt Nam.
Chuyên ngành: Kinh tế chính trị    
Mã số: 62.31.01.01
Nghiên cứu sinh: PHẠM CHÍ THANH  
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS ĐẶNG VĂN THẮNG          2. PGS.TS. ĐINH VĂN NHÃ

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

- Luận án đã tiếp cận nghiên cứu tài chính của đơn vị sự nghiệp công theo các mối quan hệ của đơn vị với các chủ thể (Nhà nước, các chủ thể cung cấp đầu vào cho đơn vị, các chủ thể sử dụng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp và người lao động làm việc trong các đơn vị) trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ ở đơn vị sự nghiệp công; qua đó đã làm rõ bản chất tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường, cần tuân thủ các qui luật của thị trường: thực hiện hạch toán đầy đủ chi phí hoạt động (bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản), giá dịch vụ theo cơ chế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ… từ đó hình thành những yêu cầu về cơ chế quản lý, cách thức điều tiết, can thiệp của Nhà nước. Đây là cơ sở lý luận để hình thành các chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công.

- Qua phân tích mối quan hệ tài chính giữa đơn vị sự nghiệp công với Nhà nước: đã làm rõ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, chính là Nhà nước mua dịch vụ của đơn vị sự nghiệp; do vậy chi ngân sách nhà nước đã tạo ra thu nhập của đơn vị sự nghiệp để bù đắp chi phí trong quá trình hoạt động, đơn vị được quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng kinh phí này. Bởi vậy chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công cần đổi mới theo hướng xoá bỏ bao cấp, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.

- Đổi mới chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công được luận giải là một quá trình liên tục, hướng đến mục tiêu quản lý chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp theo kết quả hoạt động.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án:

Đã đề xuất đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công. Trong đó các đề xuất mới là:

(1) Chuyển chính sách phí, lệ phí hiện nay sang chính sách quản lý giá dịch vụ theo hướng các đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán đầy đủ chi phí hoạt động, bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản.

(2) Việc quy định các đơn vị sự nghiệp, các hoạt động sự nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất là không còn phù hợp; kiến nghị chính sách thuế cần thay đổi theo hướng: các đơn vị sự nghiệp, các hoạt động sự nghiệp là đối tượng chịu thuế, nhưng được hưởng mức thuế suất ưu đãi (0%, 5%...) tuỳ theo ngành, lĩnh vực, địa bàn hoạt động mà Nhà nước cần ưu tiên, ưu đãi; tuỳ theo mục tiêu của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định.

(3) Chuyển cơ chế chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế bao cấp hiện nay sang quản lý theo kết quả hoạt động; có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng Nhà nước cần đảm bảo: các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo...

(4) Về cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp: thực hiện phân cấp, tổ chức hệ thống đánh giá theo hai cấp độ (tự kiểm tra đánh giá và kiểm tra, đánh giá từ bên ngoài); đề xuất xây dựng hệ thống các tiêu chí để đo lường đánh giá kết quả hoạt động đồng thời ở cả hai cấp độ.

Những vấn đề cần lưu ý trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu:

- Những nghiên cứu của Luận án chưa đi sâu đánh giá về định lượng, do vậy trong hoạt động thực tiễn cần lượng hoá các tác động của chính sách để có bước đi phù hợp.

- Các giải pháp có mối quan hệ biện chứng, cần phải thực hiện đồng bộ; mức giá dịch vụ cần tính toán phù hợp với mức cấp bù, phù hợp với việc cắt giảm vốn đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp, chính sách hỗ trợ người dân trong việc học tập, khám, chữa bệnh...

- Các đề xuất về chính sách mang tính tổng quan chung cho cả khu vực sự nghiệp, trong hoạt động thực tiễn cần cụ thể hoá để phù hợp với đặc điểm, yêu cầu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Nội dung của luận án xem tại đây.