NCS Phan Huy Lệ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 30/12/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Phan Huy Lệ, chuyên ngành Quản lý kinh tế (Khoa học quản lý), với đề tài “Quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ ở Việt Nam”.

Thứ năm, ngày 30/12/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ ở Việt Nam
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Khoa học quản lý)                        
Mã số: 62.34.01.01
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Lê Thị Anh Vân    2. TS. Bùi Đức Thọ

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đã hệ thống hoá lý luận cơ bản của quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ tại Việt Nam, chỉ rõ các nhân tố ảnh hưởng đối với thu và sử dụng phí đường bộ như: (i) năng lực thể chế của Nhà nước; (ii) trình độ phát triển dân trí; (iii) sự phát triển kinh kế xã hội của đất nước; (iv) sự phát triển khoa học công nghệ; (v) môi trường quốc tế.

Luận án áp dụng mô hình Outcome và phương pháp luận về đánh giá chính sách của Ngân hàng Thế giới để xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá theo năm tiêu chí: (i) phù hợp; (ii) hiệu lực; (iii) hiệu quả; (iv) tác động; (v) bền vững. Từ các tiêu chí này, luận án xây dựng 60 chỉ số cụ thể nhằm đánh giá những mặt thành công và hạn chế của quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ ở Việt Nam.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án thực hiện tham vấn cộng đồng với 328 phiếu điều tra trên đối tượng là doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và cá nhân. Kết quả được phân tích, xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0 đã chỉ ra mối liên hệ chủ yếu giữa các biến số “đánh giá việc thực hiện quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ” với các biến số quản lý khác (mức ý nghĩa <= 0,005).

Từ những kết quả trên, luận án đưa ra một số dự báo, định hướng về quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ trong những năm tới. Các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ bao gồm: cải cách thủ tục hành chính kết hợp chặt chẽ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tuyên truyền giáo dục pháp luật; phân cấp cho các đơn vị, các địa phương và từng chức danh quản lý nhằm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ; nâng cao chất lượng lập kế hoạch thu và sử dụng phí đường bộ đảm bảo thu đúng thu đủ, chất lượng đường bộ phải thỏa mãn sự chi trả về phí của người dân và doanh nghiệp. Nhằm hạn chế thất thoát trong thu và sử dụng phí đường bộ, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm đổi mới công nghệ nhằm thực hiện tốt các biện pháp xã hội hoá hoạt động thu và sử dụng phí đường bộ.

Trên cơ sở phân tích quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, luận án đề xuất công tác tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ trong thời gian tới cần dựa trên 3 yếu tố chính: (i) hệ thống mục tiêu quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ; (ii) hệ thống các công cụ và phương pháp quản lý; (iii) hệ thống đánh giá, giám sát kết quả và phương thức điều chỉnh khi cần thiết trong và ngoài hệ thống quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ để tổ chức phối hợp.

Nhằm đảm bảo sự thành công của các giải pháp, luận án kiến nghị với các cấp quản lý nhà nước liên quan, trong đó Bộ Giao thông vận tải cần tập trung các biện pháp hỗ trợ quản lý, đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ; Nhà nước cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ thị trường tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật về thu và sử dụng phí đường bộ và phân định rõ quyền hạn giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về thu và sử dụng phí đường bộ, công khai minh bạch cơ chế, chính sách thu và sử dụng phí đường bộ dựa trên quyết tâm của nhà nước và người dân./.

Nội dung của luận án xem tại đây.