NCS Phongtisouk Siphomthaviboun bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 24/09/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Phongtisouk Siphomthaviboun, chuyên ngành Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại), với đề tài “Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của nước CHDCND Lào đến năm 2020”.
Thứ tư, ngày 24/08/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án:  Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của nước   CHDCND Lào đến năm 2020
Chuyên ngành:  Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại)
Mã số:  62.34.10.01
Nghiên cứu sinh:  Phongtisouk Siphomthaviboun        
Người hướng dẫn:  PGS.TS. Hoàng Minh Đường, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ việc nghiên cứu lý luận về hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế, luận án đã khẳng định chính sách thương mại quốc tế là sản phẩm chủ quan của con người ứng với từng thời kỳ phát triển nhất định của quan hệ hợp tác giữa quốc gia với phần còn lại của thế giới. Trước thách thức mới của hợp tác tự do hóa thương mại, chính sách thương mại quốc tế đối với từng quốc gia cần thay đổi phù hợp với yêu cầu hội nhập và cam kết hợp tác quốc tế, nhằm tháo gỡ ách tắc và tạo đà mới cho phát triển.

Luận án đã chỉ ra rằng việc sử dụng các công cụ chính sách thương mại quốc tế không nên theo hướng gia tăng các hàng rào mà nên hướng tới việc "nới lỏng", "mềm hóa" sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động thương mại quốc tế. Xu thế chung là nhà nước can thiệp ngày càng ít hơn, thực hiện tự do hóa nhiều hơn.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu của luận án.

Từ việc nghiên cứu thực trạng hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Lào những năm gần đây, luận án đã chỉ ra ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bất cập trong chính sách thương mại quốc tế hiện nay của Lào:

(1) Sự chần chừ, do dự trong việc điều chỉnh đổi mới chính sách, của một bộ phận những nhà hoạch định chính sách;

(2) Tình trạng một số địa phương "xé rào", cố tình hiểu sai các quy định chính sách;

(3) Sự phối kết hợp thiếu đồng bộ trong xây dựng và thực thi chính sách.

Luận án đã đề xuất ba nhóm giải pháp có tính đột phá, hướng tới

(1) Tăng tính thống nhất về nhận thức trong giải quyết mối quan hệ giữa tự do hóa thương mại và bảo hộ mậu dịch; 

(2) Hoàn thiện chính sách mặt hàng, chính sách thương nhân và thị trường theo hướng "mềm hóa", khuyến khích sự phát triển hiệu quả, bền vững và

(3) Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế, trong đó nâng cao vai trò và hiệu quả tham vấn ngay từ khâu dự thảo xây dựng chính sách từ phía doanh nghiệp và người dân.

Nội dung của luận án xem tại đây.