NCS Tạ Ngọc Sơn bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 25/01/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Tạ Ngọc Sơn, chuyên ngành Kinh tế tài chính ngân hàng, với đề tài “Quản lý rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam”.

Thứ ba, ngày 25/01/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Quản lý rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam
Chuyên ngành:  Kinh tế tài chính ngân hàng           
Mã số: 62.31.12.01
Nghiên cứu sinh: TẠ NGỌC SƠN      
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS PHAN THỊ THU HÀ        2. TS. NGUYỄN HỮU LƯƠNG

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Trên cơ sở phân tích đặc điểm hoạt động quản lý rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, luận án đề xuất phương pháp định lượng rủi ro lãi suất bằng độ nhạy cảm lãi suất (PVBP) và giá trị có thể tổn thất (VaR). Phương pháp mới này có tính ưu việt hơn phương pháp đo lường hiện nay (dựa trên khe hở nhạy cảm lãi suất -GAP) ở chỗ PVPB có thể xác định được hậu quả của rủi ro lãi suất, tuy nhiên chưa xác định được xác suất của rủi ro lãi suất, trong khi phương pháp định lượng VaR có thể xác định được cả hậu quả lẫn xác suất của rủi ro lãi suất. Phương pháp mới này hiện nay chưa  được áp dụng tại Việt Nam do các nguyên nhân hạn chế về phần mềm quản lý và hệ thống ngân hàng lõi.

Luận án đề xuất chuẩn hóa chính sách quản lý rủi ro lãi suất, trong đó xác định rõ chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị ngân hàng, Ban Giám đốc, Phòng quản lý rủi ro, Phòng kiểm soát nội bộ, qui trình quản lý rủi ro lãi suất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam bao gồm bốn bước: nhận dạng, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro lãi suất, nhằm hoàn thiện qui trình quản lý rủi ro lãi suất tại các ngân hàng này.

Phân tích kinh nghiệm quản lý rủi ro lãi suất tại hai ngân hàng nước ngoài tại Việt nam là HSBC và Calyon -chi nhánh TP HCM, Luận án đã chỉ ra rằng để quản lý rủi ro lãi suất tốt,  ngoài việc hiểu thấu đáo các nội dung quản lý rủi ro lãi suất, các ngân hàng thương mại Việt Nam còn cần sự hỗ trợ nhiều của các phần mềm quản lý rủi ro lãi suất và hệ thồng ngân hàng lõi trong việc quản lý rủi ro lãi suất của mình.

Những đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

(1) Luận án đã đưa ra các đề xuất về hạn mức, bao gồm hạn mức về độ nhạy cảm giá trị kinh tế ròng của tài sản và độ nhạy cảm của thu nhập ròng đối với sự thay đổi của lãi suất, nhằm góp phần quản lý rủi ro lãi suất tốt hơn theo các thông lệ quốc tế.

(2) Luận án đề xuất việc sử dụng các sản phẩm phái sinh hiện đang có tại thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm hợp đồng kỳ hạn lãi suất (FRAs), hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS), hợp đồng quyền chọn lãi suất (Interest Rate Option) để che chắn rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

(3) Luận án đã đề xuất các điều kiện để áp dụng phương pháp quản lý rủi ro lãi suất bằng phương pháp giá trị có thể tổn thất (Value at Risk) tại các ngân hàng thương mại Việt nam, bao gồm: (1) Cơ sở lãi suất chuẩn tại Việt nam được áp dụng để đo lường rủi ro lãi suất, trong đó kiến nghị giá trị lãi suất VNIBOR (Vietnam InterBank Offered Rate ) cho các kỳ hạn nhỏ hơn 1 năm và lãi suất trái phiếu Chính phủ (Government Bonds) cho các kỳ hạn lớn hơn 1 năm, (2) những thay đổi cần có trong hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) để tăng sức mạnh và tăng tính tương thích với các phần mềm quản lý rủi ro lãi suất đang chào bán trên thế giới, (3) khả năng tự nghiên cứu viết riêng cho mình phần mềm quản lý rủi ro lãi suất tại mỗi ngân hàng thương mại Việt Nam, (4) sự cần thiết phải kiểm chứng các giá trị VaR.

Nội dung của luận án xem tại đây.