NCS Trần Ngọc Thìn bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 17/01/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Trần Ngọc Thìn, chuyên ngành Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại), với đề tài “Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”.

Thứ sáu, ngày 17/12/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam
Chuyên ngành: Thương mại (Kinh tế và quản lý thương mại)    
Mã số: 62.34.10.01
Nghiên cứu sinh: Trần Ngọc Thìn                   
Người hướng dẫn: 1. GS.TS. Hoàng Đức Thân  2. PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đã áp dụng lý thuyết về chuỗi giá trị toàn cầu trong phân tích các khâu, các mắt xích kết nối tạo nên giá trị hàng hóa xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, các mắt xích được thực hiện tại một hay nhiều doanh nghiệp, tại một quốc gia hay nhiều quốc gia khác nhau mang lại lợi thế trong sản xuất hàng hóa. Phân tích các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu được đề cập trong luận án không chỉ phù hợp với lý thuyết mà chỉ ra khả năng giải quyết các vấn đề thực tế đang tồn tại trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, là cơ sở khoa học cho việc ra các quyết định thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ở Việt Nam.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu của luận án

Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 52,76% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này với những nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Chưa hình thành được ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất hàng xuất khẩu;

(2) Xuất khẩu hàng hóa dễ bị tổn thương bởi các cú xốc do biến động giá cả và các rào cản thương mại;

(3) Thực hiện hành vi chuyển giá thông qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với công ty mẹ để trốn thuế, hoàn thuế gây tiêu cực tới xuất khẩu;

(4) Nhiều doanh nghiệp FDI còn phụ thuộc vào chính sách ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của của khu kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm:

- Thực hiện chính sách hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dựa trên sự phát triển triển tốt hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Chính phủ nên sớm thành lập công ty bảo hiểm tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài bảo đảm được về tài chính, giảm rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở thành lập một số khu công nghiệp hỗ trợ tại các trung tâm, tại cụm các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển. Hình thành hệ thống công nghiệp hỗ trợ trong nước là vấn đề cần thiết không chỉ với các doanh nghiệp FDI mà đối với các nhà đầu tư sản xuất trong nước.

- Thực hiện xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI khác và đặc biệt là các tập đoàn kinh tế trong sản xuất và xuất khẩu. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các các trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp có thế mạnh để phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Nội dung của luận án xem tại đây.