NCS Trịnh Mai Vân bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 20/09/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Trịnh Mai Vân, chuyên ngành Kinh tế tài chính ngân hàng, với đề tài “Phát triển thị trường trái phiếu ở Việt Nam”.

Thứ hai, ngày 20/09/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Phát triển thị trường trái phiếu ở Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế tài chính ngân hàng
Mã số: 62.31.12.01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Trần Đăng Khâm;  TS. Nguyễn Sơn

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án xây dựng mối quan hệ tác động giữa việc thay đổi thâm hụt ngân sách năm trước đến sự tăng lên của GDP năm sau thể hiện qua phương trình:

Thay đổi GDP = Thay đổi khoản chi tiêu thâm hụt của Chính Phủ  * Số nhân thu nhập.

Luận án đã chứng minh được mối quan hệ chặt chẽ giữa sự thay đổi thâm hụt ngân sách của năm trước và lượng tăng lên (lượng thay đổi) của GDP năm sau trong giai đoạn 1995-2008  ở Việt Nam thông qua mô hình kinh tế lượng ước lượng bằng phần mềm Eview6. Mối quan hệ nêu trên có tính nhân quả do biến thay đổi thâm hụt ngân sách được đưa vào mô hình là biến trễ một thời kỳ, tức là biến có trước biến thay đổi GDP. Điều này có nghĩa nếu Chính phủ dự kiến trước các kế hoạch đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng thì sẽ  tác động đến tăng trưởng.

Mô hình này có thể được dùng để ước lượng hệ số nhân thu nhập là tham số sử dụng trong dự báo về các khoản thâm hụt trong tương lai gần, tương ứng với các chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra trong một giai đoạn nào đó. Bên cạnh đó, mô hình cũng cho thấy sự tất yếu phải phát triển thị trường trái phiếu trong đó có trái phiếu Chính phủ.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Bằng cách sử dụng số liệu về GDP và bội chi ngân sách trong giai đoạn 1995– 2008 để ước lượng số nhân thu nhập, luận án đưa ra kết quả dự báo về bội chi ngân sách trong giai đoạn 2010-2020. Kết quả này có giá trị tư vấn cho Chính phủ trong việc quyết định lộ trình phát hành trái phiếu sau khi đã cân đối với các nguồn tài trợ khác.

Luận án đề xuất một số phương hướng cho việc ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và tăng tính chủ động cho chính sách tài khóa, gồm có:

- Dần tự do hóa hệ thống lãi suất theo hướng cân bằng theo thị trường, đồng thời  dựa vào dự báo để thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ theo lộ trình.

- Tổ chức đấu giá trái phiếu Chính phủ để để xác định các mức lãi suất chiết khấu khi định giá các tài sản tài chính khác trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là một giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

- Hoàn thiện, bổ sung cơ sở dữ liệu và các phương pháp dự báo để tiến hành dự báo về thâm hụt ngân sách cho tăng trưởng theo mục tiêu tăng trưởng của từng thời kỳ.

Nội dung của luận án xem tại đây.