NCS Vũ Hồng Phong bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 27/12/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Vũ Hồng Phong, chuyên ngành Kinh tế lao động, với đề tài “Nghiên cứu tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội”.
Thứ ba, ngày 27/12/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Nghiên cứu tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội
Chuyên ngành: Kinh tế lao động                                   
Mã số: 62.31.11.01
Nghiên cứu sinh: Vũ Hồng Phong     
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS Mai Quốc Chánh    2. TS Nguyễn Quang Huề
 

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ lý luận chung về tiền lương, thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, luận án đã hệ thống hóa và bổ sung một số nhân tố ảnh hưởng đến mức tiền lương, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp, trong đó chỉ rõ hai nhân tố công tác tổ chức lao động - tiền lương và hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở có ảnh hưởng rất lớn đến tiền lương, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, luận án đã bổ sung hai chỉ tiêu đánh giá mức độ công bằng trong phân phối tiền lương, thu nhập cho người lao động trong doanh nghiệp, bao gồm quan hệ tiền lương tối thiểu – tối đa; khoảng cách tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa trong doanh nghiệp.

Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

Luận án đã phân tích thực trạng tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội và rút ra một số kết luận sau:

- Tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp hơn rất nhiều hai loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Có sự chênh lệch rất lớn về tiền lương, thu nhập giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong các ngành nghề khác nhau, giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo hình thức pháp lý khác nhau (công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, tư nhân,…). Nguyên nhân của thực trạng chênh lệch này là do có sự khác nhau về quy mô vốn; mức độ trang bị máy móc thiết bị, công nghệ; hiệu quả sản xuất kinh doanh; trình độ chuyên môn tay nghề của người lao động và quan điểm trả lương của chủ doanh nghiệp.

- Chính sách tiền lương, thu nhập của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội là chưa thực sự phù hợp, thiếu công bằng cũng như chưa phản ánh đúng hiệu quả làm việc của người lao động. Nguyên nhân của thực trạng này là do tổ chức công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước không thực hiện được vai trò bảo vệ quyền lợi của người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đồng thời công tác tổ chức lao động - tiền lương còn thiếu các công cụ cần thiết để trả lương hiệu quả (hệ thống thang bảng lương, hệ thống định mức lao động, bản phân tích công việc,  tiêu chí, quy trình đánh giá kiểm tra thực hiện công việc). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn chưa đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Luận án đã đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác tổ chức lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó đóng góp mới tập trung ở 4 nội dung:

(1) Phương pháp xây dựng thang, bảng lương mới,

(2) Phương pháp định mức lao động trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm và thường xuyên phải thay đổi mã hàng sản xuất,

(3) Quy trình quản lý giờ công và biểu mẫu thống kê, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm phù hợp với các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước và

(4) Hệ thống tiêu chí đánh giá thực hiện công việc để trả lương.
 

Nội dung của luận án xem tại đây.