NCS Cao Đạt Khoa bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 09/10/2010, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Cao Đạt Khoa, chuyên ngành Kinh tế công nghiệp, với đề tài “Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ở Việt Nam”.

Thứ bảy, ngày 09/10/2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ở Việt Nam
Chuyên ngành:  Kinh tế công nghiệp                                   
Mã số: 62.31.09.01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Ngô Quang Minh; TS. Đinh Tiến Dũng

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Trên cơ sở nghiên cứu những yêu cầu và nhân tố ảnh hưởng đến mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện, so sánh mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, luận án chỉ rõ mối liên hệ giữa việc lựa chọn mô hình tổ chức và cơ chế quản lý để phát triển truyền tải điện với các mục tiêu kinh tế (như hiệu quả hoạt động) và các mục tiêu ngoài kinh tế ở tầm vĩ mô (như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường…).

Áp dụng các mô hình tổ chức và quản lý trên vào phân tích khâu truyền tải điện của ngành điện Việt Nam, Luận án đã chỉ ra rằng sự chưa hợp lý của mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ảnh hưởng không tốt đến đến hiệu quả hoạt động, tính độc lập và minh bạch của hệ thống, cũng như khả năng thu hút đầu tư phát triển vào ngành điện tại Việt Nam

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án đề xuất các giải pháp để hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ở Việt Nam như sau:

- Thay đổi cách sắp xếp số lượng các công ty truyền tải điện trực tiếp quản lý vận hành theo hướng căn cứ vào khối lượng tài sản, địa bàn khu vực, mức độ phức tạp quản lý. Chuyên môn hoá công tác sửa chữa, bảo dưỡng.

- Tách bạch quyền quản lý truyền tải điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT); quyền quản lý của EVN, Hội đồng thành viên NPT với quyền điều hành của Tổng giám đốc NPT để giảm bớt các tầng nấc quản lý trung gian đối với hoạt động truyền tải điện mang tính kinh tế-kỹ thuật cao.

- Bổ sung qui định của pháp luật cho hoạt động truyền tải điện như là một doanh nghiệp độc quyền duy nhất hoạt động trong thị trường điện và ngành điện Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ và trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện các đấu nối với các nguồn điện và không phân biệt đối xử về hình thức sở hữu, các chế tài hạn chế hành vi làm hạn chế năng lực truyền tải điện phi kỹ thuật.

- Qui hoạch truyền tải điện phù hợp với chiến lược phát triển điện lực và chiến lược phát triển của địa phương, đảm bảo các yêu cầu và điều kiện về công suất nguồn điện và vị trí của phụ tải, quỹ đất và thủ tục cấp đất của địa phương, tiến độ đưa lưới điện vào vận hành.

- Tách chức năng quản lý hành chính nhà nước của Bộ Công Thương và chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của EVN đối với NPT, đảm bảo Bộ Công Thương không can thiệp vào hoạt động kinh tế của NPT mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với NPT.

Nội dung của luận án xem tại đây.