NCS Hoàng Bích Hồng bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 21/07/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Hoàng Bích Hồng, chuyên ngành Kinh tế học (Kinh tế bảo hiểm), với đề tài “Hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam”.
Thứ năm, ngày 21/07/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học (Kinh tế bảo hiểm)           
Mã số: 62.31.03.01
Nghiên cứu sinh: Hoàng Bích Hồng                 
Người hướng dẫn: 1.PGS.TS Mạc Văn Tiến    2. TS Phạm Thị Định

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Nghiên cứu chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp với tư cách là một bộ phận trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, luận án đã chỉ ra những tính chất, đặc điểm, cơ sở riêng biệt của chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cụ thể:

- Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữ vai trò quan trong việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

- Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đặc trưng bởi: (i) thời gian cân đối quỹ, (ii) nguồn hình thành quỹ, (iii) phương pháp xác định mức phí, (iv) phương pháp xác định mức hưởng.

- Việc đánh giá chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dựa trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu thống kê bao gồm: tỷ lệ lao động tham gia chế độ, tỷ lệ lao động tuân thủ việc tham gia, tỷ lệ lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ, tỷ lệ chi quỹ  và tỷ lệ sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ.

- Hoàn thiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần căn cứ trên cơ sở khoa học, bao gồm: (i) Quy luật thống kê số lớn, (ii) Nhu cầu của người lao động, (iii) Khả năng đóng góp của các bên tham gia, (iv) Điều kiện kinh tế- xã hội, (v) Nội dung chế độ và tổ chức thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện hành.

Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, luận án đã đưa ra các quan điểm và đề xuất một số giải pháp mới để hoàn thiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Thứ nhất, sửa đổi luật trên cơ sở hợp nhất một phần quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động theo Luật Lao động và quy định về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Luật bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, tỷ lệ đóng góp cho chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần tính toán dựa trên nguy cơ, tần suất xảy ra rủi ro của các đơn vị sử dụng lao động. Các đơn vị được phân loại theo nhóm ngành, nghề, tỷ lệ đóng góp giữa các nhóm là khác nhau. Tỷ lệ đóng góp định kỳ được tính toán lại phụ thuộc mức độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của đơn vị.

Thứ ba, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần thực hiện chức năng cơ bản của hoạt động bảo hiểm là ngăn ngừa và hạn chế rủi ro, như đầu tư trở lại doanh nghiệp để cải thiện điều kiện lao động, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp định kỳ…

Thứ tư, thực hiện hạch toán độc lập quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cả về nguồn thu, chi và hoạt động đầu tư quỹ.

Thứ năm, đổi mới hoạt động tuyên truyền theo hướng tăng cường thông tin hai chiều để đảm bảo sự giám sát của các bên tham gia.

Nội dung của luận án xem tại đây.