NCS Hoàng Thị Lan Hương bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 20/01/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Hoàng Thị Lan Hương, chuyên ngành Kinh tế du lịch, với đề tài “Phát triển kinh doanh lưu trú du lịch tại Vùng du lịch Bắc bộ của Việt Nam”.

Thứ năm, ngày 20/01/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Phát triển kinh doanh lưu trú du lịch tại Vùng du lịch Bắc bộ của Việt Nam
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Kinh tế du lịch)                  
Mã số: 62.34.01.01
Nghiên cứu sinh: HOÀNG THỊ LAN HƯƠNG    
Người hướng dẫn:  1. GS.TS NGUYỄN VĂN THƯỜNG;           2. PGS.TS NGUYỄN VĂN MẠNH

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

(1) Luận án đã đưa ra khái niệm “kinh doanh lưu trú du lịch” là một lĩnh vực kinh doanh riêng biệt trong ngành du lịch với nghĩa rộng hơn so với các quan điểm trước đây vốn chỉ coi kinh doanh lưu trú du lịch như một hoạt động cung cấp dịch vụ buồng ngủ trong phạm vi một doanh nghiệp.

(2) Luận án đã khái quát và đưa ra khái niệm mới về “phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch”.

(3) Luận án đã xây dựng cơ sở lý luận cho vấn đề nghiên cứu chính của đề tài là “phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch”, trong đó, do đặc thù của vùng du lịch trong hệ thống phân vị tổ chức lãnh thổ du lịch ở Việt Nam, luận án đã đúc rút về lý luận hai vấn đề:

- Phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch nên được tiếp cận ở cấp độ ngành.

- Phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch phải được đánh giá trên hai mặt cơ bản là: đánh giá mức độ phát triển bền vững của lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch và đánh giá vai trò của quản lý Nhà nước về du lịch các cấp trong việc đảm bảo phát triển bền vững cho lĩnh vực kinh doanh này tại các tỉnh nội vùng du lịch. Đây là đúc rút lý luận mới và là cơ sở khoa học cần thiết cho các ứng dụng đánh giá thực trạng và định hướng phát triển lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch theo hướng bền vững tại các vùng du lịch ở Việt Nam.

(4) Luận án đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này và hoàn toàn mới như: chỉ tiêu số lượng, chất lượng, quy mô, thứ hạng và công suất sử dụng buồng của các cơ sở lưu trú tại vùng du lịch; sự gia tăng của mức chi tiêu bình quân về lưu trú và thời gian lưu trú trung bình của một lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trong vùng du lịch; mức tiết kiệm và khả năng quản lý tiêu thụ năng lượng điện hiệu quả của các cơ sở lưu trú; mức tiết kiệm và khả năng quản lý sử dụng nước của các cơ sở lưu trú; mức tái sử dụng và xử lý rác thải của các cơ sở lưu trú trong, số lượng các dự án và tổng số vốn đầu tư vào các cơ sở lưu trú tại vùng du lịch, mức độ đóng góp chia sẻ lợi ích kinh tế và xã hội với cộng đồng địa phương của các cơ sở lưu trú tại vùng du lịch...

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

(1) Luận án đã đúc rút bảng đánh giá tổng hợp mức độ phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch theo từng chỉ tiêu cho từng tiểu vùng và toàn Vùng du lịch Bắc Bộ. Đây là đúc rút thực tiễn cập nhật và mới giúp có cái nhìn toàn diện, tổng thể và chính xác hơn về thực trạng phát triển kinh doanh lưu trú du lịch ở mỗi tiểu vùng và toàn Vùng du lịch Bắc Bộ.

(2) Luận án đã tập trung đề xuất đồng bộ 13 giải pháp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và 14 giải pháp cho các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch tại Vùng du lịch Bắc Bộ trong tương lai, trong đó, phải kể đến các giải pháp mang tính đột phá và mới như: hoàn thiện và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm lưu trú được xác định là đặc thù của các tiểu vùng du lịch như phát triển loại hình nhà ở có phòng cho khách thuê (Homestay) với chính sách ưu đãi miễn thuế, cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp ở các tiểu vùng miền núi Tây bắc và Đông bắc, khuyến khích phát triển các khách sạn thứ hạng cao, quy mô lớn ở các trung tâm du lịch trọng điểm của vùng (Hà Nội và Hạ Long); Tổ chức xúc tiến quảng bá điểm đến cho Vùng du lịch Bắc Bộ một cách hiệu quả ở những thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng; Quy định bắt buộc lập báo cáo đánh giá tác động đến môi trường và phương án bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư vào kinh doanh lưu trú du lịch; Khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch có chính sách ưu tiên tuyển dụng nhân lực là người địa phương; Khuyến khích các chủ đầu tư lựa chọn kiến trúc, trang trí nội thất và lựa chọn sản phẩm lưu trú mang bản sắc văn hóa địa phương; Mỗi doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch cần nghiên cứu lựa chọn đoạn thị trường mục tiêu phù hợp và có chiến lược xây dựng và khẳng định uy tín, thương hiệu lâu dài cho doanh nghiệp; chủ động xây dựng các chương trình cụ thể để quản lý sử dụng hiệu quả năng lượng điện, nước, quản lý và xử lý rác thải trong kinh doanh lưu trú du lịch ...
          
Nội dung của luận án xem tại đây.