NCS Lưu Thái Bình bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 14/04/2012, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Lưu Thái Bình, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, với đề tài “Tổ chức và quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong điều kiện hội nhập ”.
Thứ bảy, ngày 14/04/2012

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Tổ chức và quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong điều kiện hội nhập
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp           
Mã số: 62.31.10.01
Nghiên cứu sinh:   Lưu Thái Bình
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS Trần Quốc Khánh      2. PGS.TS Phạm Văn Khôi

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án áp dụng mô hình chuỗi giá trị (value chain) để phân tích việc tổ chức và quản lý ba công đoạn sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong một lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù cao tại một địa phương cụ thể, và chỉ rõ: trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, các tác nhân trong chuỗi có sự liên quan chặt chẽ và có sự phản ứng dây chuyền trong cả chuỗi ngành hàng. Lý luận này đặt ra yêu cầu các nhà hoạch định chiến lược của địa phương phải có cách nhìn nhận tổng thể để có thể đưa ra các chính sách vĩ mô cũng như các giải pháp vi mô để điều tiết sự phát triển đúng hướng của ngành hàng.

Luận án đã xác định được các nhân tố chính ảnh hưởng tới tổ chức và quản lý của chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau trên cả ba khía cạnh: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường, làm cơ sở để chính quyền địa phương xác lập các chính sách can thiệp điều tiết phù hợp đối với từng đối tượng trong từng điều kiện cụ thể.

Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

Về tổ chức sản xuất rau: Do sản xuất rau thông thường nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế thấp. Cần tổ chức lại sản xuất rau theo hướng tập trung, đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn. Để sản xuất rau tập trung, an toàn cần có các chính sách, cơ chế của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung dưới các hình thức như hợp tác xã, trang trại…

Về tổ chức chế biến rau: Chế biến rau hiện nay còn quá đơn giản, chỉ khoảng 10% rau qua sơ chế. Luận án đề xuất các giải pháp mới để áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, nâng cao tỷ lệ rau qua chế biến, nâng cao giá trị của toàn chuỗi. Tổ chức công nghiệp chế biến rau có vai trò quan trọng trong nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng rau.

Về tổ chức tiêu thụ rau: Hệ thống kinh doanh phân phối rau trên địa bàn còn thiếu, phân bố bất hợp lý, còn buông lỏng quản lý… nên nhiều cơ sở gian lận thương mại, làm mất lòng tin đối với người tiêu dùng, làm cho khó tiêu thụ rau an toàn, do vậy sản xuất rau an toàn gặp khó khăn. Luận án đề xuất những giải pháp mới trong việc tổ chức tiêu thụ rau như việc tổ chức mạng lưới kinh doanh tiêu thụ rau an toàn, quy hoạch, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích kinh doanh rau an toàn…

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các rủi ro trong chuỗi và sự bất ổn định giá cả thị trường dẫn tới những tác động tổn hại trong toàn chuỗi sản phẩm rau, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội. Vì vậy, trong điều hành quản lý ngành hàng, Nhà nước cần có chiến lược phát triển, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý ở tầm vĩ mô theo hướng khuyến khích gia tăng giá trị trong toàn chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu, các đối tượng trong chuỗi, đảm bảo phúc lợi người lao động, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trước những bất cập trong hệ thống tổ chức và quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kiểm soát quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng Nhà nước, luận án đề xuất cần có sự sắp xếp lại một cách hợp lý mô hình tổ chức quản lý ngành hàng này tại địa phương theo hướng khai thác lợi thế từ các nguồn lực tự nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn nhân lực, đặc biệt cần tổ chức xây dựng các mô hình mẫu trong chuỗi giá trị ngành hàng rau.

Nội dung của luận án xem tại đây.