NCS Nguyễn Duy Phúc bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 13/09/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Nguyễn Duy Phúc, chuyên ngành Kinh tế lao động, với đề tài “Tạo lập và thúc đẩy quan hệ lao động lành mạnh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội”.
Thứ ba, ngày 13/09/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Tạo lập và thúc đẩy quan hệ lao động lành mạnh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội
Chuyên ngành: Kinh tế lao động 
Mã số: 62.31.11.01
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Duy Phúc  
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS Vũ Thành Hưng   2. PGS.TS Nguyễn Tiệp

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đã nêu và làm rõ một số luận điểm mới về học thuật như sau:

1. Trong một mối quan hệ lao động cá nhân, người sử dụng lao động thực sự không phải là người ký tên trong hợp đồng lao động mà là người có năm thực quyền đối với người lao động: quyền tuyển dụng, quyền sa thải, quyền quyết định mức lương, quyền khen thưởng và quyền kỷ luật.

2. Mỗi nhóm chủ thể quan hệ lao động là một nhóm lợi ích. Do đó, quan hệ lao động trong một doanh nghiệp luôn có 2 nhóm chủ thể là: người lao động (chỉ gồm những người có lợi ích gắn với lợi ích của đa số người làm thuê) và người sử dụng lao động (bao gồm chủ doanh nghiệp và cả những người có lợi ích gắn với lợi ích của chủ doanh nghiệp).

3. Cùng với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, quan hệ lao động sẽ dịch chuyển dần từ quan hệ lao động mang tính cá nhân sang quan hệ lao động mang tính tập thể. Đến một ngưỡng nhất định, cơ chế tương tác giữa các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động mới phát huy tác dụng và đến một ngưỡng tiếp theo quan hệ lao động cấp ngành sẽ trở thành hình thức tương tác phổ biến trong xã hội.

4. Khả năng liên kết của người lao động thường kém hơn người sử dụng lao động. người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó liên kết để hình thành những tập đoàn lợi ích đủ lớn và gây sức ép đối với phía người sử dụng lao động.

5. Để tổ chức đại diện cho người lao động trong một doanh nghiệp có tính độc lập cao cần đảm bảo năm yếu tố: độc lập về nhân sự; độc lập về tài chính; được pháp luật bảo vệ; có các quyền về thời gian; không gian và cơ sở vật chất để hoạt động, hỗ trợ của tổ chức công đoàn cấp trên.

6. người lao động và người sử dụng lao động trong những phân mảng hẹp của thị trường lao động có ít cơ hội tìm kiếm và thay thế đối tác. Trình độ công nghệ càng cao thì sự lệ thuộc về mặt kỹ thuật giữa người lao động và người sử dụng lao động càng lớn. Do đó, quan hệ lao động càng có xu hướng ổn định hơn.

Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

Việt Nam cần một quá trình tổng thể nhằm tạo lập nền tảng pháp lý và các thiết chế cần thiết cho quan hệ lao động lành mạnh phù hợp với nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Cụ thể:

1. Đổi mới hệ thống pháp luật lao động từ cách tiếp cận theo tiêu chuẩn lao động sang điều chỉnh cơ chế quan hệ lao động kết hợp với các tiêu chuẩn lao động.

2. Đa dạng hoá hình thức tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở, biến chúng trở thành những tổ chức năng động, cạnh tranh trong cùng hệ thống. Một công đoàn cơ sở nên bao gồm người lao động ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Thành lập hội đồng người sử dụng lao động ở các cấp: nhóm doanh nghiệp, cấp ngành, cấp tỉnh, và cấp trung ương dựa trên nguyên tắc linh hoạt và thống nhất trong cùng một hệ thống

4. Đa dạng hoá, đảm bảo tính linh hoạt và hoàn toàn tự nguyện (cả về chủ thể và nội dung) trong thương lượng lao động tập thể. Khuyến khích thương lượng cấp nhóm doanh nghiệp.

5. Khi luật pháp quan hệ lao động còn nhiều bất cập, phát triển mạnh hệ thống thiết chế hỗ trợ và thiết chế tham vấn về quan hệ lao động và đối thoại xã hội sẽ giúp quan hệ lao động hài hoà và ổn định hơn.

Nội dung của luận án xem tại đây.