NCS Nguyễn Hữu Đồng bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 17/01/2012, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Nguyễn Hữu Đồng, chuyên ngành Kế toán, với đề tài “Hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong các trường đại học công lập Việt Nam”.
Thứ bảy, ngày 17/12/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong các trường đại học công lập Việt Nam
Chuyên ngành: Kế toán                    
Mã số: 62.34.30.01
Nghiên cứu sinh: NGUYỄN HỮU ĐỒNG 
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. PHẠM QUANG     2. PGS.TS. NGHIÊM VĂN LỢI

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đề xuất mô hình mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành hệ thống thông tin kế toán trong các đơn vị sự nghiệp có thu, theo đó việc xử lí các nghiệp vụ phát sinh trong các đơn vị sự nghiệp có thu tuân thủ bốn quá trình kế toán cơ bản: kế toán nguồn thu, kế toán các khoản chi, kế toán quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ, kế toán vốn đầu tư. Mỗi đơn vị sự nghiệp đều tiến hành những hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ nhất định theo đúng các chức năng hoạt động của đơn vị mình, trong đó kế toán quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ nhận thông tin về nhu cầu của khách hàng từ kế toán nguồn thu, nhận thông tin về các chi phí phát sinh từ kế toán các khoản chi và cung cấp thông tin về tình hình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho kế toán nguồn thu, cung cấp thông tin về yêu cầu mua sắm vật tư, nhân lực cho kế toán các khoản chi.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính cho các trường đại học công lập Việt Nam, luận án đề xuất:

1. Các trường đại học công lập Việt Nam cần lập bổ sung báo cáo lưu chuyển tiền. Với đặc thù hoạt động của các trường đại học công lập và các nguồn tài chính trong nhà trường, báo cáo lưu chuyển tiền nên được phân chia thành bốn phần: (1) lưu chuyển tiền từ hoạt động sự nghiệp; (2) lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính phi đầu tư phát triển, (3) lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho đầu tư phát triển và (4) lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư.

2. Các khoản chi thường xuyên trong nhà trường cần thiết phải được hạch toán theo các hoạt động và xác định chi tiêu cho từng đối tượng phục vụ (đối tượng chịu phí). Mô hình xác định chi tiêu theo hoạt động tại các trường đại học công lập được thực hiện theo ba giai đoạn: giai đoạn 1 xác định các chi tiêu trực tiếp liên quan tới các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ; giai đoạn 2 tiến hành phân bổ chi tiêu quản lý hành chính cho các hoạt động trên cơ sở mức độ sử dụng các hoạt động hỗ trợ; giai đoạn 3 tiến hành tính chi phí bình quân cho mỗi đơn vị của đối tượng chịu phí.

3. Các đơn vị trực thuộc trường cần được tổ chức theo mô hình các trung tâm trách nhiệm, bao gồm các trung tâm chi phí, trung tâm lợi nhuận và cả các trung tâm đầu tư. Mỗi khoa, bộ môn hay phòng, ban sẽ là một trung tâm chi phí. Mỗi trung tâm dịch vụ, lao động sản xuất (kể cả trực thuộc trường và trực thuộc khoa) sẽ là một trung tâm lợi nhuận. Ngoài ra, các trường có thể thành lập các doanh nghiệp, tức là các trung tâm đầu tư.  Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống báo cáo kế toán quản trị phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lí tài chính này.

Nội dung của luận án xem tại đây.