NCS Nguyễn Ngọc Dũng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 21/01/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Nguyễn Ngọc Dũng, chuyên ngành Kinh tế công nghiệp, với đề tài “Phát triển các khu công nghiệp đồng bộ trên địa bàn Hà Nội”.

Thứ sáu, ngày 21/01/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Phát triển các khu công nghiệp đồng bộ trên địa bàn Hà Nội
Chuyên ngành: Kinh tế công nghiệp                   
Mã số: 62.31.09.01
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Vũ Minh Trai    2. TS. Vũ Trọng Lâm

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Dựa trên cơ sở lý luận về khu công nghiệp và phát triển khu công nghiệp, luận án đã xây dựng khung lý thuyết về phát triển khu công nghiệp đồng bộ nhằm khắc phục những hạn chế trong việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp Hà Nội thời gian qua, cụ thể:

(1) Xây dựng khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển khu công nghiệp của cả nước, về phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội để tạo sự thống nhất trong hệ thống quy hoạch tổng thể phát triển theo ngành và theo vùng lãnh thổ.

(2) Lựa chọn, thu hút những cơ sở công nghiệp thuộc nhóm ngành nghề mũi nhọn, có tính định hướng các ngành công nghiệp hoặc dịch vụ khác phát triển đồng thời, tạo sự liên kết sản xuất giữa các cơ sở công nghiệp và các khu cụm công nghiệp khác trong vùng.

(3) Phát triển khu công nghiệp đồng bộ phải đảm bảo toàn diện trên các lĩnh vực từ việc thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài hàng rào, chăm lo đời sống người lao động và bảo vệ môi trường.

(4) Có sự đồng bộ từ việc xây dựng phương án đến triển khai thực hiện phương án, vừa mang tính chất định hướng vĩ mô, vừa mang tính chất điều hành vi mô.

(5) Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo, đồng thời có những chính sách lao động, việc làm và đãi ngộ mang tính đặc thù của Hà Nội.

(6) Công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp có sự đồng bộ về tổ chức bộ máy, phương thức điều hành, cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương.

(7) Nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, phát triển khu công nghiệp đảm bảo tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn và dự báo phát triển.

Những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Từ kết quả nghiên cứu, luận án đưa ra ba đề xuất mới như sau:

(1) Tổ chức đánh giá lại thực trạng quy hoạch tổng thể và từng khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, trên cơ sở đó xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050.

(2) Nhận diện đúng các lợi thế cạnh tranh của Thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong việc thu hút các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao vào các khu công nghiệp.

(3) Đề xuất mô hình thí điểm một khu công nghiệp đồng bộ với các hạng mục công trình thỉết yếu phù hợp với đặc thù của thủ đô Hà Nội, làm cơ sở để các khu công nghiệp đã và đang xây dựng hoặc đi vào hoạt động điều chỉnh lại cho phù hợp tùy theo điều kiện, khả năng.

Nội dung của luận án xem tại đây.