NCS Nguyễn Thị Ái Liên bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 28/10/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Nguyễn Thị Ái Liên, chuyên ngành Kinh tế phát triển (Kinh tế đầu tư), với đề tài “Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”.
Thứ sáu, ngày 28/10/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án:  Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Chuyên ngành:  Kinh tế phát triển (Kinh tế đầu tư)       
Mã số: 62.31.05.01
Nghiên cứu sinh:   Nguyễn Thị Ái Liên
Người hướng dẫn:   1. TS. Phạm Văn Hùng     2. TS. Hoàng Văn Huấn

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

“Môi trường đầu tư là tổng hoà các yếu tố của nước nhận đầu tư có ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phát triển kinh tế”. Trong khái niệm môi trường đầu tư này, luận án nhấn mạnh đến ảnh hưởng của môi trường đầu tư đến cả chu kỳ dự án đầu tư, từ khi chuẩn bị đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện đầu tư, vận hành đầu tư và chấm dứt dự án. Hơn nữa, môi trường đầu tư không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động sinh lời mà còn mang lại lợi ích cho mọi người, làm tăng hiệu quả kinh tế xã hội.

Năm  đặc điểm của môi trường đầu tư được luận án rút ra và phân tích, gồm: tính tổng hợp, tính hai chiều, tính động, tính mở và tính hệ thống. môi trường đầu tư bao gồm nhiều yếu tố thường xuyên vận động, và mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố đến ý định và hành vi của nhà đầu tư sẽ rất khác nhau theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ ít các yếu tố của môi trường đầu tư tạo ra rào cản lớn đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Vận dụng phương pháp Pareto vào phân tích sẽ góp phần phát hiện những yếu tố của môi trường đầu tư gây trở ngại lớn nhất đến hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, việc ưu tiên tập trung cải thiện những các yếu tố này sẽ có tác động tích cực và nhanh nhất đến hoạt động đầu tư, từ đó làm tăng hiệu quả của quá trình cải thiện môi trường đầu tư.

Ứng dụng phương pháp Pareto, luận án đề xuất quy trình đánh giá, cải thiện môi trường đầu tư, gồm 5 bước:
•    Bước 1: thu thập số liệu về môi trường đầu tư được thực hiện bằng phương pháp điều tra.
•    Bước 2: đánh giá hiện trạng môi trường đầu tư và ảnh hưởng của môi trường đầu tư đến thu hút FDI.
•    Bước 3: sử dụng biểu đồ Pareto để tìm ra những yếu tố chính của môi trường đầu tư gây ảnh hưởng chủ yếu đến FDI
•    Bước 4: đề xuất giải pháp cải thiện những yếu tố trọng yếu này.
•    Bước 5: sau một thời gian triển khai thực hiện giải pháp cần thu thập lại thông tin để đánh giá lại môi trường đầu tư nhằm đánh giá những tiến bộ đạt được cũng như tìm ra yếu tố trở ngại mới.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Vận dụng phương pháp Pareto trên cơ sở kết quả điều tra, các yếu tố (chỉ chiếm 21% trong các yếu tố thuộc môi trường đầu tư) bao gồm: thủ tục hành chính, môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, chính sách không ổn định, trình độ lao động, giao thông và hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư và kinh doanh gây trở ngại lớn (chiếm 51%) đến hoạt động FDI.

Ưu tiên giải quyết các yếu tố trở ngại trọng yếu, luận án đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI, gồm:

•  Xây dựng chính phủ điện tử để giải quyết thủ tục hành chính. Thời gian tới cần tiếp tục rà soát và phân loại thủ tục hành chính, phải loại bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết, chồng chéo mâu thuẫn. Công bố tất cả các thủ tục hành chính của Việt Nam tại một trang web duy nhất. Từng bước tiến tới việc giải quyết thủ tục hành chính và trả lời thông qua mạng, hạn chế sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức nhằm giảm thời gian, chi phí của doanh nghiệp và tệ nạn quan liêu tham nhũng.

•  Phải chủ động, linh hoạt và kịp thời điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế.

•  So sánh nhu cầu lao động được xác định dựa trên quy hoạch phát triển ngành, vùng với khả năng đáp ứng lao động hiện có để xây dựng kế hoạch đào tạo lao động. Thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo, huy động vốn cho đào tạo từ nhiều nguồn như người học, doanh nghiệp, ngân sách, đồng thời kết hợp nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo lao động.

•  Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ giữa các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; có tính đến xu hướng phát triển công nghệ vận tải và nhu cầu vận tải trong tương lai; đảm bảo tính liên kết với vận tải quốc tế. Trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, cần sắp xếp và thực hiện dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở đánh giá hiệu quả tương đối giữa lợi ích kinh tế xã hội thu được của dự án với vốn đầu tư.

•  Xem xét, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để bổ sung, sửa đổi các nội dung không rõ ràng, từ ngữ gây hiểu nhầm, nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các luật chung và luật chuyên ngành; giữa luật và các văn bản hướng dẫn; giữa văn bản pháp luật và lộ trình thực hiện cam kết WTO.

Nội dung của luận án xem tại đây.