NCS Bùi Thúy Vân bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường

Ngày 10/03/2011, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Bùi Thúy Vân, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, với đề tài “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.

Thứ năm, ngày 10/03/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN             

Đề tài luận án: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Chuyên ngành: Kinh tế thế giới và QHKTQT (Kinh tế đối ngoại)                   
Mã số: 62.31.07.01
Nghiên cứu sinh: Bùi Thúy Vân                      
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS TRẦN THỌ ĐẠT    2. GS.TS. ĐỖ ĐỨC BÌNH

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ lý luận về FDI và về chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, luận án tiến hành xây dựng cầu nối về mặt lý thuyết giữa FDI và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, từ đó làm cơ sở để giải thích rõ về ảnh hưởng của FDI đến chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu và đảm bảo cho Luận án một cơ sở lý luận cần thiêt, tin cậy (Các nghiên cứu khác chủ yếu giải thích về tác động của FDI đến xuất khẩu nói chung).

Áp dụng cách phân loại cơ cấu hàng xuất khẩu, thống kê theo chỉ tiêu chất lượng (EXPY) và mức độ phức tạp của hàng hóa xuất khẩu (PRODY) vào Việt Nam. Cách đánh giá và phân loại này sẽ rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu cũng như xem xét, nhận định về hiện trạng chất lượng một cơ cấu hàng xuất khẩu hay chất lượng xuất khẩu của từng nhóm mặt hàng, từng loại mặt hàng để từ đó có các đánh giá kịp thời quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu và những điều chỉnh cần thiết để đạt mục tiêu đề ra trong khi các nghiên cứu trong nước và Tổng cục Thống kê đang áp dụng để phân loại mới chỉ xem xét đến giá trị xuất khẩu còn mức thu nhập bình quân đầu người mang lại từ một đơn vị hàng hóa xuất khẩu chưa được thống kê đến.

Tính toán hệ số tương quan giữa các RCA giúp nhận xét được sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của từng cặp hàng hóa cụ thể, từ đó có các giải pháp hoặc điều chỉnh kịp thời về mức độ chuyển dịch cần đạt được.

Nghiên cứu sử dụng số liệu vốn FDI thực hiện có phân tách cho bên nước ngoài để có thể đánh giá chính xác hơn nhiều về vai trò của FDI đến chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu thay vì cách mà các nghiên cứu khác hay sử dụng là vốn FDI đăng ký, vốn FDI gồm cả của phía Việt Nam và nước ngoài nên đương nhiên vốn FDI sẽ tăng lên do được cộng thêm phân vốn từ phía Việt Nam góp chứ không phải của bên đối tác nước ngoài, phần vốn góp của Việt Nam nhiều khi là do vay ngân hàng của Việt Nam nên khi nhận xét về quy mô, vai trò của FDI cũng như khi đưa vào kiểm định có thể dẫn đến kết quả tốt cho FDI nhưng không thực chất. Thêm vào đó, từ kết quả nghiên cứu có thể biết được ngay số vốn thực hiện cần có từ phía chủ đầu tư nước ngoài để đạt các mục tiêu cụ thể của chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Khẳng định tác động tích cực của vốn FDI tới chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Vùng Đồng bằng Bắc bộ về cả lượng và chất, song tác động về mặt chất còn ít thể hiện như sau:

-Tăng 1% FDI vốn thực hiện làm tăng 13,5% sự chuyển dịch cơ cấu từ nhóm hàng thô, sơ chế sang nhóm hàng chế biến và tinh chế.

- FDI thực hiện tăng 1000 USD thì tổng giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp 2,5 lần tương đương với 2500 USD

- Nếu GDP của khu vực FDI tăng 1 triệu đồng sẽ  dẫn đến 0,74 đồng tăng lên của chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

-  Nếu GO công nghiệp của khu vực FDI tăng 1 triệu đồng sẽ  dẫn đến EXPY tăng 0,18 đồng

-  Nếu FDI thực hiện tăng lên 1000 USD thì tổng VA của sản phẩm tăng 0,34 USD

- Sự tăng lên của 1% FDI thực hiện cũng làm tăng mức thu nhập mang lại của một đơn vị sản phẩm xuất khẩu nhưng còn rất ít hay có thể nói là không đáng kể.

-  Vốn FDI thực hiện của bên nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất máy tính và linh kiện tăng lên 1000 USD thì chất lượng của nhóm hàng này tăng 0,12 USD

-  Nếu xuất khẩu về máy tính và linh kiện của khu vực FDI tăng lên 1000 USD thì chất lượng của nhóm hàng này tăng lên 0,00286 USD.

-  Nếu xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên 1% thì dẫn đến  sự chuyển dịch cơ cấu từ nhóm hàng thô, sơ chế sang nhóm hàng chế biến và tinh chế là 4,9

Các kết quả thu được là phù hợp với các nhận định về mặt lý thuyết cũng như phân tích tác động của FDI tới chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu dưới góc độ chính sách thu hút và quản lý FDI.

Các khả năng ứng dụng trong thực tiễn của đề tài

Các biến trong mô hình được lựa chọn vừa có khả năng giải thích thực tiễn và phù hợp với lý thuyết. Nghiên cứu cung cấp nhiều thông tin có thể vận dụng được . Dự báo về xuất khẩu và tính toán vốn FDI thực hiện cần đạt được có thể ứng dụng trong thực tiễn thu hút FDI một cách chủ động nhằm đạt mục tiêu cụ thể về giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng hay chất lượng của từng ngành hàng cụ thể trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Lộ trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, định hướng thu hút FDI hướng vào quá trình này cũng như các giải pháp đều có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Cách tiếp cận, các tính toán để đưa ra các kết luận đánh giá cần thiết cũng như các định hướng, điều chỉnh cụ thể của nghiên cứu đều có thể vận dụng trong thực tiễn công tác thu hút và quản lý nguồn vốn FDI phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hiệu quả.


Nội dung của luận án xem tại đây.