NCS Bùi Thị Minh Hải bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 17/01/2012, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Bùi Thị Minh Hải, chuyên ngành Kế toán, với đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam”.
Thứ bảy, ngày 17/12/2011

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam
Chuyên ngành: Kế toán
Mã số: 62.34.30.01
Nghiên cứu sinh: Bùi Thị Minh Hải    
Người hướng dẫn: 1. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa     2. PGS.TS. Ngô Trí Tuệ

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Từ lý luận cơ bản về hệ thống kiểm soát nội bộ và đặc thù của các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, Luận án đã khẳng định những yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ ứng dụng trong các doanh nghiệp may mặc (may gia công xuất khẩu) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế:

(1) Mục tiêu kiểm soát hàng đầu trong điều kiện kinh doanh theo chuỗi giá trị dệt may toàn cầu là đảm bảo hiệu quả kinh doanh trên cơ sở đạt được tiết kiệm trong mua sắm các yếu tố đầu vào, kiểm soát chi phí sản xuất theo định mức, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất, nâng cao sức sản xuất trong sử dụng lao động, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán với khách hàng;

(2) Ngoài việc đảm bảo các mục tiêu truyền thống, hệ thống kiểm soát nội bộ cần hướng đến việc thực hiện giá trị đạo đức của doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động.

Những kết luận và đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

(1) Luận án khẳng định hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may dẫn đầu Ngành (chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam) thể hiện rõ nét các yếu tố cấu thành cơ bản là môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin và các thủ tục kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát nội bộ trong phần lớn các doanh nghiệp may Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế và khiếm khuyết dẫn đến thực tế doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng không hiệu quả và bền vững.

(2) Nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất xuất phát từ nhận thức của nhà quản lý về vai trò và tác dụng của kiểm soát trong đảm bảo thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.

(3) Từ việc nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ ở một số quốc gia, thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, Luận án đã đề xuất các giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam bao gồm:

- Hoàn thiện các nhân tố thuộc môi trường kiểm soát, trong đó đưa ra việc lựa chọn loại hình kiểm soát hành chính phù hợp với các doanh nghiệp may có quy mô lớn có cơ cấu tổ chức phức tạp, chính sách nhân sự đổi mới theo hướng đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, đổi mới trình tự lập kế hoạch theo cách thức quản lý, kiểm soát theo mục tiêu, đề xuất mô hình tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp dẫn đầu Ngành;

- Hoàn thiện hệ thống thông tin, nhấn mạnh đến việc hoàn thiện vận dụng hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách và báo cáo kế toán trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại;

- Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng quy chế quản lý tài chính phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đồng thời hoàn thiện các thủ tục kiểm soát đối với các chu trình hoạt động cơ bản;

- Xây dựng hệ thống tiêu chí để đo lường và đánh giá các hoạt động cơ bản dựa trên bản chất của loại hình kiểm soát đầu ra phản ánh hiệu quả hoạt động và hiệu năng quản lý trong doanh nghiệp may mặc.

Nội dung của luận án xem tại đây.