Viện Đào tạo Sau đại học - ĐH KTQD

Báo cáo chuyên gia với chủ đề “Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới” trong chương trình học tập thực tế dành cho các học viên Executive - MBA

Thứ sáu, ngày 30/08/2024

Nằm trong chương trình học tập thực tế thường niên dành cho các học viên của chương trình đào tạo Thạc sĩ Điều hành cao cấp Executive - MBA, ngày 25/8/2024, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức thành công buổi Báo cáo chuyên gia với chủ đề “Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới” do diễn giả GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản chia sẻ.

Quang cảnh chương trình

Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Vũ Thành Hưởng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Đào tạo Sau đại học; cùng các học viên lớp Executive - MBA khóa 13, 14.

Theo GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - GRIPS), công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất các phụ tùng, linh kiện và công cụ cho các doanh nghiệp lắp ráp hoặc bán lắp ráp tại một quốc gia.

CNHT gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI. Chính phủ thường mong muốn phát triển của doanh nghiệp CNHT nội địa hơn.

CNHT là nhà cung cấp cho doanh nghiệp trong nước, nhưng vẫn được phép và đôi khi là được khuyến khích xuất khẩu (nếu chỉ xuất khẩu thì không phải CNHT). CNHT chủ yếu dành cho các ngành cơ khí (chế tạo máy, xe máy, ô tô, điện tử, thiết bị CNTT, v.v), những ngành sử dụng nhiều kim loại và nhựa.

Công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày, chế biến thực phẩm v.v.) cần được xem xét riêng vì các ngành này sử dụng rất nhiều đầu vào khác nhau (sợi, sản phẩm từ thực vật, động vật, thủy sản v.v.)

 GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản 

Cũng theo GS Kenichi Ohno, CNHT lại đặc biệt quan trọng với Việt Nam, bởi nó giúp nâng cao chất lượng và công nghệ, để tạo ra giá trị nội địa lớn hơn; có năng lực cạnh tranh quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (gián tiếp) cũng như vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

GS Kenichi Ohno khẳng định, các ngành công nghiệp linh kiện và phụ tùng phát triển mạnh là rất quan trọng, là cơ sở để đưa ngành sản xuất của quốc gia lên một tầm cao hơn, trở thành các doanh nghiệp trong ngành CNHT, các doanh nghiệp phải đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu về QCD (chất lượng, chi phí và giao hàng đúng hạn), cũng như tuân thủ các yêu cầu về môi trường, an toàn và lao động.

TS. Nguyễn Thị Xuân Thúy - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội

Các học viên và các chuyên gia trao đổi và thảo luận tại toạ đàm

Được biết, chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thực tế thường niên dành cho các học viên của chương trình đào tạo Thạc sĩ điều hành cao cấp Executive - MBA của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhằm gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo trên lớp với thực tiễn.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Các tin khác