Viện Đào tạo Sau đại học - ĐH KTQD

Hội thảo khoa học quốc gia: “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường Khoa học và Công nghệ Việt Nam”

Thứ sáu, ngày 25/09/2020
Sáng ngày 25/9/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chương trình Phát triển thị trường Khoa học công nghệ Việt Nam tới năm 2030 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng sự tham gia hỗ trợ của Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp V-Startup đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.

                                                                                             Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN; bà Nguyễn Thy Nga - Chuyên gia Truyền thông chính sách, Tổng Giám đốc V-Startup Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; cùng các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài; đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các đại biểu, các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và các bạn nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong toàn trường.

Trong những năm qua, thị trường KH&CN Việt Nam đã gia tăng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Các loại hình hàng hóa trên thị trường KH&CN ngày càng đa dạng và phong phú. Theo đó, các hình thức giao dịch trên thị trường KH&CN cũng đa dạng hơn, bao gồm các hình thức như: giao dịch mua, bản quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giao dịch chuyển giao công nghệ là các thiết bị, máy móc, công nghệ thuần túy giữa các chủ thể tham gia thị trường. Tuy vậy, thực tế cho thấy, so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, giá trị và lượng hàng hóa KH&CN được giao dịch ở nước ta hiện nay chưa nhiều. Thị trường KH&CN Việt Nam vẫn ở trình độ thấp, các yếu tố cấu thành thị trường chưa phát triển đồng bộ; năng lực của nhiều chủ thể trên thị trường KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để cải thiện năng lực của các chủ thể tham gia thị trường KH&CN là cực kỳ cần thiết. Đặc biệt, vai trò kết nối của các trung gian KH&CN sẽ giúp thúc đẩy thị trường này phát triển nhanh hơn, xa hơn và ở phạm vi rộng lớn hơn.

                                                                                                                      PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ chia sẻ, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự hình thành và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường KH&CN. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển của các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN ở mỗi quốc gia lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, giữa các quốc gia trên thế giới chưa có sự đồng nhất về mô hình, tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Tùy thuộc vào chiến lược phát triển và điều kiện về kinh tế, cũng như trình độ KH&CN và sự phát triển của thị trường KH&CN, mỗi quốc gia sẽ xây dựng mô hình và đưa ra các chính sách phát triển tổ chức KHCN với những điểm khác biệt nhất định. Đối với Việt Nam, PGS.TS Bùi Đức Thọ cũng cho rằng, để phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN, chúng ta cần nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết kinh nghiệm về chính sách, giải pháp phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN của các nước trong khu vực và trên thế giới; cũng như đánh giá năng lực hiện tại của các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN ở Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian này một cách hiệu quả.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình bày tham luận: Chương trình phát triển thị trường KH&CN Việt Nam đến 2030: Quan điểm và phương hướng phát triển

PGS.TS Đào Thị Thanh Lam - Trường ĐH KTQD trình bày tham luận: Thực trạng, đề xuất tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động và năng lực của tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN tại Việt Nam

PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Đề tài TTKHCN.ĐT.01-20 trình bày tham luận: Chính sách phát triển các Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN Việt Nam

Bà Nguyễn Thy Nga - Chuyên gia Truyền thông chính sách, Tổng Giám đốc V-Startup Việt Nam trình bày tham luận: Thực trạng của thị trường KH&CN Việt Nam và kiến nghị của tổ chức trung gian

Tiếp nối sự thành công từ Hội thảo khoa học: “Vai trò của các tổ chức trung gian trên thị trường Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức vào tháng 6/2020, Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường Khoa học và Công nghệ Việt Nam” là sự kế thừa những kết quả, nội dung, thành công từ hội thảo trước đó, từ đó xây dựng được những giải pháp, chính sách thực sự hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN Việt Nam thông qua lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các chuyên gia, của các doanh nghiệp, nhà quản lý để làm sao đề ra ý tưởng để tháo gỡ các khó khăn và phát triển các tổ chức khoa học công nghệ trung gian thật mạnh mẽ, có thể kết nối nhà trường và doanh nghiệp.

Đoàn chủ tọa điều hành phiên trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa Marketing dẫn chương trình tại Hội thảo

Bài và ảnh: Phòng Truyền thông

Các tin khác