NCS Nguyễn Tiến Long bảo vệ luận án tiến sĩ
NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đề tài luận án: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên
Chuyên ngành: Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế Quốc tế (Kinh tế đối ngoại)
Mã số chuyên ngành: 62.31.07.01
Nghiên cứu sinh: NGUYỄN TIẾN LONG
Người hướng dẫn: GS.TS ĐỖ ĐỨC BÌNH
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Từ những vấn đề lý luận chung về FDI với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, luận án tập trung làm rõ cơ sở lý luận về tác động của FDI tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định mối tương quan giữa FDI với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, cụ thể:
(i) FDI với chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tác động hai chiều, bên cạnh tác động của FDI tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương thì bản thân chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng sẽ có tác động tới thu hút FDI;
(ii) Luận án sử dụng phương pháp phân tích định lượng xác định tác động của FDI tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1993 – 2009. Các biến (trong đó có FDI) trong hàm đánh giá mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (hệ số cosφ) được chọn thông qua phân tích tương quan, không chỉ phù hợp với lý thuyết mà còn có khả năng giải thích thực tiễn tại tỉnh Thái Nguyên, hệ số tương quan có ý nghĩa thống kê. Mô hình cho kết quả tốt, có thể sử dụng để dự báo và lựa chọn mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên dưới tác động của FDI.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu của luận án
Luận án khẳng định rằng, có nhiều yếu tố tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng FDI có vai trò quan trọng tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Trong khi các điều kiện khác còn hạn chế, thu hút FDI sẽ tạo động lực quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Đã đến thời điểm phải chấm dứt ngay tình trạng “rải thảm đỏ”, đưa ra nhiều chính sách quá ưu đãi đối với thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (tức là không thu hút FDI bằng mọi giá); trái lại, việc thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên phải kèm theo những điều kiện chặt chẽ và những mục tiêu rõ ràng, minh bạch, bình đẳng đối với tất cả các đối tác đầu tư.
Do vậy, những giải pháp mới và những biện pháp quyết liệt trong thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030, đó là:
(1) Hoàn thiện công tác quy hoạch bằng cách tạo ra những lĩnh vực đột phá trong thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh như: cơ khí chế tạo, chế biến chè xuất khẩu, luyện kim, sản xuất phôi thép, phát triển sản phẩm đặc sản, sản phẩm có tính cạnh tranh cao;
(2) Phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội như bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế, các dịch vụ đạt đẳng cấp quốc tế;
(3) Ưu tiên lựa chọn các đối tác FDI có công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn (gồm các nước từ Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và TNCs) có lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh;
(4) Hoàn thiện cơ chế, chính sách để bổ sung những quy định riêng, tạo sự khác biệt nhưng vẫn trong khung khổ pháp lý đối với thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.
Luận án ứng dụng tốt trong thực tiễn ở tỉnh Thái Nguyên, là cơ sở khoa học giúp cho các nhà quản lý kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong xây dựng chiến lược thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nhanh và bền vững của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong quá trình áp dụng các giải pháp cần phải có lộ trình thực hiện, xác định chủ thể thực hiện để các giải pháp thực sự có hiệu quả. Ước lượng tác động của FDI tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác cần được kiểm định là rất cần thiết cho các nghiên cứu tiếp theo.
Nội dung của luận án xem tại đây.